Xung đột ở Kokang: Cây thuốc phiện, quyền lực, và chính trị

Thủ lãnh nổi loạn người sắc tộc Trung Quốc Bành Gia Thanh đã phát động một cuộc chiến để kiểm soát vùng Kokang ở miền bắc Myanmar, giáp biên giới phía nam Trung Quốc.

Cuộc giao tranh bùng ra hồi đầu tháng 2 tại Kokang, một khu vực ở đông bắc bang Shan của Myanmar đã gây ra cảnh thất tán cho hàng chục ngàn người, nhiều người tràn qua biên giới vào Trung Quốc. Trong khi các giới chức ở Bắc Kinh và Naypyidaw nói tình hình nằm trong vòng kiểm soát, những vụ xung đột khởi đầu ở vùng rừng núi hẻo lánh có thể lan tràn nếu các nhóm nổi dậy khác tham gia.

Tâm điểm cuộc giao tranh là câu hỏi ai kiểm soát một khu vực nằm giáp ranh Trung Quốc có lịch sử lâu dài về mua bán thuốc phiện sinh nhiều lợi lộc trong vùng. Chính phủ Myanmar và các lãnh chúa ma tuý khác nhau, một số được sự hậu thuẫn của các nhóm Trung Quốc, đã giao tranh trong khu vực này từ mấy chục năm nay, và cuộc giao tranh mới nhất được coi như tiếp tục các cuộc tranh giành cũ để giành quyền kiểm soát.

Nhưng trong tình hình có rất ít phóng viên trong vùng xung đột ở miền bắc bang Shan, khó mà kiểm chứng những gì đang xảy ra tại đây. Trong những tuần lễ vừa qua, một phóng viên video làm việc cho đài VOA đã đến được các khu vực gần vùng tác chiến ở nông thôn miền bắc bang Shan, nằm trong tay một phe nhóm nổi dậy nhỏ liên minh với các chiến binh sắc tộc Trung Quốc chống lại quân đội Myanmar.

Phe nào thủ lợi nhờ thuốc phiện?

Bản đồ khu vực Kokang, Myanmar.

Tại Kokang, đề tài gây tranh cãi vẫn là vấn đề ai thủ lợi từ công cuộc mua bán thuốc phiện. Cả hai nhóm nổi dậy và chính phủ đổ lỗi cho nhau là buôn bán lậu. Nhiều dân làng thuộc sắc tộc Palaung ở địa phương cho biết họ muốn rút ra khỏi công cuộc làm ăn, một phần vì tác động tai hại của thuốc phiện trong cộng đồng của họ và một phần vì các băng đảng ma tuý kiểm soát công cuộc làm ăn đã làm cho việc trồng cây thuốc phiện bớt lời hơn.

Liên Hiệp Quốc nói bang Shan ghi nhận một sự tăng vọt trong việc trồng cây ma tuý trong những năm gần đây, trong thời gian việc này ít nhất một phần nằm dưới quyền kiểm soát của các phe phái có liên minh với chính phủ, mặc dầu có một sự sụt giảm trong năm 2014.

Các phần tử nổi dậy sắc tộc Trung Quốc ở Kokang đã có thành tích lâu dài về buôn bán ma tuý, và Cơ quan chống Ma tuý Hoa Kỳ xác định Bành Gia Thanh là 'tay buôn lậu chính' trong vùng vào năm 1975. Nhưng các phần tử nổi dậy nói rằng nay họ chống đối việc mua bán, và các chiến binh của Đạo quân Giải phóng Dân tộc Ta’ang TNLA đang ráo riết hoạt động với dân làng sắc tộc Palaung để loại trừ cây thuốc phiện – ngay cả trong khi chiến sự tiếp diễn ở gần đó.

Chuyên gia phân tích kỳ cựu về Myanmar, ông Bertil Lintner nói một số nhóm nổi dậy đang tỏ ra thực tế khi quyết định liên kết với các phần tử nổi dậy đã có thành tích buôn lậu ma tuý.

“TNLA có thể coi các phần tử nổi dậy Kokang là ‘đỡ hơn trong 2 kẻ ác.’ Chính phủ và các toán dân quân đang điều hành phần lớn công cuộc buôn bán ở đó là kẻ thù đáng gờm hơn so với các phần tử nổi dậy ở Kokang có liên hệ với người Palaung.”

Giao tranh Kokang sẽ lan tràn?

Cây thuốc phiện nở rộ trên các ngọn đồi ở bang Shan, Myanmar.

Cuộc giao tranh chống lại chính phủ không phải chỉ là về công cuộc mua bán ma tuý. Các thủ lãnh nổi dậy nói các yêu sách của họ chống lại quân đội phần lớn tiêu biểu cho các cuộc đấu tranh tương tự ở nhiều nơi của Myanmar có liên quan đến vấn đề tự trị được sự hưởng ứng của các nhóm sắc tộc khác.

Tar Win Maw, một thủ lãnh kỳ cựu của TNLA nói nhiều nhóm sắc tộc đã bị chính phủ Myanmar kỳ thị.

Ông này nói, “Điều quan trọng nhất là chúng ta đều là các thiểu số sắc tộc và có những vấn đề tương tự. Nếu chúng ta không đoàn kết về mặt chính trị và xã hội thì chính phủ Myanmar sẽ dần dà tách rời chúng ta.”

Ông Lintner nói còn quá sớm để nói liệu các nhóm khác có thể tham gia cuộc chiến, và mở rộng vụ xung đột hay không. Nhưng cuộc chiến nêu rõ sự thật bại của sách lược chính phủ trong việc vận động cho một cuộc ngưng bắn trên toàn quốc.

Ông nói, “Các đạo quân sắc tộc không quan tâm đến bản thân cuộc ngưng bắn. Họ muốn có một nước Miến Điện khác. Họ muốn có một liên bang với quyền tự trị, một chính quyền tự quản địa phương cho từng vùng sắc tộc trong nước.”

Nhiều năm đàm phán có sự tham gia của chính phủ và các nhóm sắc tộc đã không chung quyết đươc một Thoả thuận Đình chiến Toàn quốc được chờ đợi lâu nay. Từ tháng 9 năm ngoái, khi vòng đàm phán trước tan vỡ, các nhóm đã không đồng ý được với nhau về ngày tháng nối lại các cuộc đàm phán đó.