Cao ủy Tị nạn mở chiến dịch chấm dứt tình trạng vô quốc tịch

  • Lisa Schlein

Người Hồi giáo Rohingya nhập cư bất hợp pháp tại Trung tâm giam giữ trong tỉnh Kanchanaburi ở Thái Lan.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đang phát động một chiến dịch toàn cầu để chấm dứt tình trạng vô quốc tịch trong vòng 10 năm. Chiến dịch có tên “Tôi thuộc về” (I Belong) nhắm tới mục tiêu đưa hàng triệu người thoát khỏi tình trạng bế tắc pháp lý vì họ không có quốc tịch và do đó không có được các quyền của công dân. Thông tín viên đài VOA Lisa Schlein ghi nhận các chi tiết từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve.

Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết có ít nhất 10 triệu người vô quốc tịch và cứ 10 phút đồng hồ là có một em bé vô quốc tịch chào đời. Hầu hết những người vô quốc tịch không có các quyền pháp lý ở những nước mà họ sinh sống.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng về mặt pháp lý người vô quốc tịch không tồn tại. Họ không có thẻ căn cước, không có giấy khai sanh và không có giấy tờ gì cả. Do đó, họ không được tiếp cận với dịch vụ y tế công cộng, giáo dục và không được có việc làm hợp pháp. Tại một số nước, những người vô quốc tịch khi chết còn không được cấp giấy khai tử.

Cao ủy trưởng Cao ủy Tị nạn, ông Antonio Guterres, nói rằng có một số yếu tố góp phần tạo ra tình trạng vô quốc tịch và hầu hết những tình huống đó phát sinh từ nạn kỳ thị sắc tộc, tôn giáo hoặc phái tính.

"Trường hợp được biết tới nhiều nhất và được bàn luận nhiều nhất trên thế giới là người Rohingya ở Myanmar, với hơn một triệu người không được cấp quốc tịch. Đa số những người này không có quốc tịch. Tại Myanmar họ bị xem là người Bangladesh di dân bất hợp pháp. Nhưng, nếu quí vị tới Bangladesh, họ lại bị xem là người Myanmar di dân bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là đại đa số những người Rohingya hoàn toàn không có quyền, không có quốc tịch."

Những nước khác có đông người vô quốc tịch là Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Latvia và Cộng hòa Dominique. Tình trạng vô quốc tịch cũng phát sinh khi một nước bị tan vỡ, như đã xảy ra ở Liên Xô cũ và Nam Tư cũ.

Những luật lệ không cho phép phụ nữ được chuyển quốc tịch của mình cho con cái trên cơ sở bình đẳng với đàn ông là một nguyên do khác gây ra tình trạng vô quốc tịch. Hiện nay có 27 quốc gia có những luật lệ có tính chất bất công như vậy.

Trẻ em tại trại tị nạn Bab Al-Salam ở Azaz gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết những mối rủi ro mới của tình trạng vô quốc tịch đang xuất hiện với sự gia tăng của những vụ xung đột. Họ nêu lên thí dụ của các cuộc chiến tranh ở Cộng hòa Trung Phi và Syria, nơi hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và trở thành người tị nạn. Hàng vạn trẻ em của người tị nạn chào đời ở nước ngoài không được đăng ký khai sinh.

Cao ủy trưởng Guterres nói rằng đây là một vấn đề vô cùng khó khăn cho trẻ em Syria tị nạn sinh ra ở Li Băng và Jordan. Ông nói rằng Syria không cho phép phụ nữ chuyển quốc tịch cho con và điều này có thể làm cho nhiều em bé không thể làm giấy khai sinh vì cha của các em đã chết hoặc mất tích.

"Chúng tôi đã và đang làm việc với các chính phủ để áp dụng những thủ tục nhằm cho phép trẻ em Syria được đăng ký và quả thật là chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ. Và chúng tôi hy vọng là tiến bộ sẽ giúp cho chúng tôi có thể bảo đảm là trong tương lai tất cả trẻ em Syria chào đời ở nước ngoài sẽ được đăng ký như là công dân Syria. Vào thời điểm này, 70% trẻ sơ sinh Syria tị nạn ở các nước láng giềng vẫn chưa được đăng ký."

Ông Guterres nói rằng vô quốc tịch là một sự việc bất bình thường trong thế kỷ 21 và phải được xóa bỏ. Ông cho biết thái độ của cộng đồng quốc tế đã có một sự chuyển đổi quan trọng đối với hiện tượng bi thảm này, và do đó, ông cảm thấy lạc quan là chiến dịch toàn cầu này sẽ thành công.

Ông cho biết Cao ủy Tị nạn tin rằng vấn đề vô quốc tịch có thể được giải quyết nếu cộng đồng quốc tế có đủ ý chí chính trị.