Một nhà tranh đấu cho quyền lợi của người Rohingya ở Myanmar cho biết có một làn sóng vượt biên – với một qui mô có lẽ chưa từng có trước đây, của những người thiểu số rời khỏi nước này. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman tường thuật rằng nhiều người đang lo ngại về số phận của những người đã vượt biên cách khoảng hai tuần.
Có tin cho biết những người Rohingya vô quốc tịch đã bắt đầu vượt biên trên những chiếc tàu chở hàng cách nay hai tuần, khi mùa mưa chấm dứt.
Ông Chris Lewa, giám đốc của một tổ chức tranh đấu có tên Dự án Arakan, cho đài VOA biết rằng một số người trong nhóm người đó giờ đây lẽ ra đã tới Thái Lan, nhưng chưa có sự xác nhận nào.
"Chúng tôi rất lo lắng, bởi vì cho tới giờ này, không ai trong các gia đình của những người vượt biên hai tuần trước được liên lạc để ít nhất là họ có thể biết được con trai, hay anh em, hay chồng của họ đã tới nơi. Điều đó có nghĩa là những người đó không ở một nơi mà họ có thể liên lạc được với người thân. Và do đó chúng tôi không biết họ đang ở đâu."
Theo ước tính của ông Lewa, 10.500 người Rohingya đã vượt biên từ trung tuần tháng này – một con số đông hơn con số thông thường trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Ông Lewa cho rằng làn sóng vượt biên này phát xuất một phần vì những tin tức về các vụ bắt giữ tuỳ tiện tại tỉnh Rakhine ở miền bắc và những tin đồn cho rằng 3 người bị câu lưu đã bị tra tấn cho tới chết.
"Dĩ nhiên là khi các nhân vật lãnh đạo cộng đồng và những nhà lãnh đạo tôn giáo bị tra tấn đến chết thì điều đó tạo ra thêm những mối lo sợ."
Hãng thông tấn Reuters trích lời một người phát ngôn của tỉnh Rakhine nói rằng ông không hay biết gì về những vụ bắt bớ hay ngược đãi.
Bà Vivian Tam, một người phát ngôn của Văn phòng Điều hợp viên khu vực của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, hôm nay nói với đài VOA rằng nếu con số những người vượt biên trong tháng này là chính xác thì “đó là một diễn tiến rất đáng lo ngại.”
Hàng trăm ngàn người Rohingya sinh sống trong các cộng đồng bị cô lập và nằm trong số những khối dân bị ngược đãi và kỳ thị nhiều nhất trên thế giới.
Chính phủ Myanmar, một nước đa số dân theo đạo Phật, xem những người Rohingya, hầu hết là người theo đạo Hồi, là người di dân từ Bangladesh.
Các tổ chức nhân quyền đang quan tâm về việc chính phủ Myanmar dự định đòi hỏi tất cả người Rohingya ở Rakhine phải tự nhận là “người Bangladesh” nếu không muốn bị giam giữ vô thời hạn tại các trại tạm giam.
Kế hoạch có tên Kế hoạch Hành động Tiểu bang Rakhine đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người bên ngoài Myanmar.
Các bản phúc trình hồi gần đây của các tổ chức phi chính phủ về người Rohingya ở Thái Lan và Malaysia kêu gọi Bangkok và Kuala Lumpur giúp đỡ tất cả những người tị nạn theo đúng tập quán và luật pháp quốc tế.
Các bản phúc trình cho rằng Thái Lan trên thực tế đã đùn đẩy vấn đề này cho Malaysia, là nước có đa số dân theo Hồi giáo và là nơi mà hầu hết những người Rohingya vượt biên chọn làm nơi tạm cư.
Khoảng 37.000 người Rohingya đang ở Malaysia trong lúc có 15.000 người khác đang chờ Liên hiệp quốc cấp qui chế tị nạn.
Các tổ chức của Liên hiệp quốc cho biết sự hạn chế đối với quyền tự do đi lại của hàng trăm ngàn người trong tiểu bang Rakhine của Myanmar đang gây ra những sự phương hại nghiêm trọng đối với các quyền lương thực, y tế, giáo dục và mưu sinh của khối người này.