Đường dẫn truy cập

Người Rohingya được cho là nằm trong số những người bị ngược đãi nhất thế giới


Người Rohingya tại một trại lánh nạn ở Sittwe, trong bang Rakhine, Myanmar chờ nhận thực phẩm của Chương trình Lương thực Thế giới
Người Rohingya tại một trại lánh nạn ở Sittwe, trong bang Rakhine, Myanmar chờ nhận thực phẩm của Chương trình Lương thực Thế giới

Cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanmar chắc phải được xếp hạng vào số những cộng đồng bị loại trừ, ngược đãi và dễ bị tổn thương nhất thế giới. Đó là kết luận của một số cuộc khảo cứu, được soạn thảo trong thời kỳ 3 năm, cứu xét vấn nạn của nhóm vô tổ quốc này. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á.

Hai bản phúc trình công bố hôm nay tại thủ đô của Malaysia cứu xét về tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng mà người Rohingya phải đối đầu vẽ ra một hình ảnh u ám.

Tổ chức Equal Rights Trust, và Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Hoà bình của trường Đại học Mahidol ở Bangkok, ghi nhận chi tiết qua lời khai và các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các giới chức những tầng lớp phân biệt đối xử nhắm vào người Rohingya, là một nhóm sắc tộc Hồi giáo với nguồn gốc không chắc chắn.

Tại Myanmar, hay Miến Điện, người Rohingya không có tổ quốc. Những người đã rời khỏi nước để đến Thái Lan và Malaysia không có tình trạng hợp pháp.

Bà Dimitrina Petrova là giám đốc điều hành của tổ chức Equal Rights Trust:

“Chúng tôi có thể xác nhận điều chúng tôi đã nghi ngờ, nhưng nay chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi nói rằng người Rohingya có lẽ nằm trong số các cộng đồng bị phân biệt đối xử nhiều nhất trên thế giới.”

Một bản phúc trình công bố hôm nay cứu xét tình trạng của người Rohingya ở Thái Lan, đã vào vương quốc này bằng cả đường biển lẫn đường bộ. Có khoảng 2 ngàn người trong số họ đã bị bắt giữ kể từ năm ngoái, vì là “di dân bất hợp pháp” được cho là đã “trốn thoát,” theo các giới chức Thái.

Nhưng bà Petrova nói với đài VOA rằng nhiều người thực ra được giao cho những kẻ làm trung gian cho các tay buôn người:

“Ở Thái Lan, điều thực sự đáng chú ý là có một mức độ thông đồng rất cao giữa chính quyền Thái với các mạng lưới buôn bán người.”

Thái Lan nay đặt dưới quyền điều hành của một tập đoàn quân nhân, đứng đầu là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha được chỉ định. Vị cựu tham mưu trưởng này đã thực hiện vụ đảo chính mới nhất tại vương quốc hôm 22 tháng 5.

Bản phúc trình về người Rohingya ở Thái Lan và bản phúc trình thứ nhì về tình hình của họ ở Malaysia đều kêu gọi cả hai nước chú ý đến “luật quốc tế thông thường” là giúp tất cả người tỵ nạn.

Các bản phúc trình nói Thái Lan thực ra đã đẩy vấn đề qua cho Malaysia, là nơi đến được ưa chuộng của đa số người Rohingya đã tìm cách rời khỏi Myanmar.

Có khoảng 37 ngàn người Rohingya hiện đang ở Malaysia cùng 15 ngàn người khác đang chờ được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là người tỵ nạn.

Chính phủ Myanmar, một nước chủ yếu theo Phật giáo, coi người Rohingya đa số theo Hồi giáo là dân di trú từ Bangladesh.

Các tổ chức nhân quyền lo ngại về kế hoạch của Myanmar đòi tất cả người Rohingya ở bang Rakhine phải tự xác định mình là người Bengal nếu không muốn bị nhốt vô thời hạn trong các trại giam. Bà Petrova thuộc tổ chức Equal Rights Trust gọi kế hoạch này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

“Cái giá họ phải trả để được cung cấp triển vọng hoà nhập là không nhận mình là người Rohingya, không phải là chính lai lịch của họ - chấp nhận một lai lịch mà Myanmar đang gắng sức áp đặt cho họ, ấy là người Bengal. Và mọi thứ đều sai trái. Nó cấu thành một sự ép buộc không được thừa nhận lai lịch của mình. Không có gì có thể tệ hại hơn thế.”

Được gọi là Kế hoạch Hành động về bang Rakhine, chương trình này đã bị nhiều người bên ngoài Myanmar lên án.

Văn phòng Hành động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc nói việc hạn chế tự do đi lại đối với hàng trăm ngàn người ở bang Rakhine của Myanmar gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền cơ bản của họ về thực phẩm, y tế, giáo dục và sinh kế.

Trong khi đó, một cuộc vận động mới được loan báo hôm nay nhằm khuyến khích giới trẻ ở đông nam châu Á theo chủ trương chống nạn buôn bán người và tình trạng bị khai thác trong cộng đồng của họ.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID đang cung cấp một ngân khoản 1,3 triệu đôla cho Tổ chức Di trú Quốc tế của Liên Hiệp Quốc để đem lại điều họ gọi là “một sự thay đổi về cách hành xử” nhằm giải quyết vấn đề. USAID nói chiến dịch này sẽ “vận dụng quyền của giới truyền thông, kỹ thuật và các nhân vật nổi tiếng” để kêu gọi sự chú ý đến tội ác buôn người và giúp ngăn chặn tệ nạn ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG