Đường dẫn truy cập

Chiến dịch 'Biên giới Chủ quyền' của Australia bị đả kích


Một nhà hoạt động hô khẩu hiệu phản đối trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Sydney.
Một nhà hoạt động hô khẩu hiệu phản đối trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Sydney.

Một năm đã trôi qua kể từ khi chính phủ ở Canberra bắt đầu thực hiện những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn để ngăn chận làn sóng thuyền nhân đến Australia. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA ở Sydney, Chiến dịch Biên giới Chủ quyền, một sáng kiến an ninh do quân đội lãnh đạo, đã gặp phải sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền. Những tổ chức này nói rằng Australia không chu toàn nghĩa vụ quốc tế về người tị nạn.

Khi liên minh bảo thủ ở Australia giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang hồi năm ngoái, ông Tony Abbott đã tuyên bố trong lúc chuẩn bị lên giữ chức thủ tướng rằng chính phủ ông sẽ ngăn không để cho những người tị nạn đến nước Úc bằng thuyền.

Và sau đó, Chiến dịch Biên giới Chủ quyền đã bắt đầu được thực hiện vào tháng 10 năm 2013. Quân đội được lệnh xua đuổi hoặc kéo tàu của người tị nạn ra khỏi vùng biển phía bắc của Australia. Chính phủ nói rằng chiến dịch này góp phần rất lớn trong nỗ lực “để chống lại những kẻ buôn người và để bảo vệ biên giới của Australia.”

Ông Tony Abbott đã tuyên bố rằng chính phủ ông sẽ ngăn không để cho những người tị nạn đến nước Úc bằng thuyền.
Ông Tony Abbott đã tuyên bố rằng chính phủ ông sẽ ngăn không để cho những người tị nạn đến nước Úc bằng thuyền.

Tháng trước, Bộ trưởng Di trú Scott Morrison cho biết quân đội đã xua đuổi ra khỏi hải phận Australia mười mấy chiếc tàu của những người muốn xin tị nạn. Ông nói thêm rằng ông tin chắc là tất cả các thuyền nhân đó đã an toàn về tới Indonesia, là nơi trung chuyển của hầu hết những người muốn tìm cách tới Australia tị nạn bằng thuyền.

Những thuyền nhân tới được lãnh thổ Australia thì bị tạm giam tại các trung tâm trên đảo Manus của Papua New Guinea và trên đảo quốc tí hon Nauru ở Nam Thái bình dương. Các giới chức nói rằng chính sách nghiêm ngặt này chẳng những làm nản lòng những người muốn xin tị nạn mà còn ngăn không để cho họ gặp phải những sự nguy hiểm tới tính mạng khi tìm cách vượt qua vùng biển đầy bất trắc để tới Australia.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền nói rằng Chiến dịch Biên giới Chủ quyền là một chính sách “tàn bạo” và cần phải được xét lại.

Hàng ngàn người biểu tình đã tham gia những cuộc tụ tập trên khắp Australia để chống lại chính sách này.

Ông Chris Breen, thuộc tổ chức Hành động Chung cho người tị nạn ở Melbourne, nói rằng những cuộc biểu tình này đánh dấu điều mà ông gọi là ngày kỷ niệm u ám của Chiến dịch Biên giới Chủ quyền.

"12 tháng vừa qua là 12 tháng kinh hoàng đối với những người muốn xin tị nạn, đối với quyền của người tị nạn. Chúng tôi thấy 2 người thiệt mạng trên đảo Manus trong vòng 6 tháng. Chúng tôi thấy 157 người – những người Tamil xin tị nạn, trên thực tế đã bị bắt cóc và bị cầm tù ở biển khơi trong một tháng. Như quí vị đã biết, Australia đang vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình."

Tháng trước, Australia đã ký một thỏa thuận để đưa người tị nạn tại trại tạm giam ở Nauru đến Campuchia.

Australia cấp phát khoảng 13.000 visa tị nạn mỗi năm dựa theo các hiệp định quốc tế.

Hàng trăm ngàn người tị nạn đã được tái định cư ở Australia kể từ thập niên 1950 cho tới nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG