Đường dẫn truy cập

Biểu tình tại một trung tâm tạm giữ ngoài khơi Australia


Một người xin tị nạn định nhảy khỏi máy nhà Trung tâm giam giữ Villawood ở Sydney trong cuộc biểu tình vì lo ngại bị trả về nước. (Ảnh tư liệu).
Một người xin tị nạn định nhảy khỏi máy nhà Trung tâm giam giữ Villawood ở Sydney trong cuộc biểu tình vì lo ngại bị trả về nước. (Ảnh tư liệu).

Các tổ chức nhân quyền cho biết những người đi tìm nơi tị nạn đang ở trong một trung tâm tạm giữ do Úc quản lý ở đảo Nauru, thuộc Thái Bình Dương, đang tiếp tục biểu tình phản đối các chính sách về người tị nạn. Các nhà hoạt động nói một số người bị giam đã khâu môi lại và uống xà phòng giặt, trong khi tin cho biết một người đàn ông khác đã tự cắt cổ để phản đối các kế hoạch của Canberra từ chối cấp thị thực tái định cư tại Úc cho những người bị giam giữ. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật.

Giới vận động cho người tị nạn cho biết người đi tìm nơi tị nạn bị giam giữ tại Nauru đã giận dữ và thất vọng sau khi Úc xác nhận sẽ không cho phép nộp đơn xin Thị thực Bảo vệ Tạm thời, hay còn gọi là TPV.

Việc nộp đơn này chỉ áp dụng cho những người tìm quy chế tị nạn hiện đang bị giam tại các trại tị nạn ở tại Úc, hoặc những người đã được thả ra theo diện xin thị thực bắc cầu vào cộng đồng. Các tù nhân ở các trung tâm xử lý ngoài khơi tại Nauru hay Papua New Guinea sẽ không đủ điều kiện nộp đơn.

Các nhà hoạt động nói rằng quy định vừa kể đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Nauru với nhiều trường hợp tự hại mình, trong đó có vụ một cô gái đã nuốt xà phòng giặt và một người đàn ông tự cắt cổ. Những người khác thì khâu môi lại.

Ông Ian Rintoul của Liên minh Hành động Tị nạn ở Sydney nói rằng căng thẳng đang rất cao ở Nauru.

Ông Rintoul nói: “Bầu không khí không tốt. Tôi cho là bạn chỉ có thể mô tả nó là sự tuyệt vọng và thất vọng. Do đó mới có những cuộc biểu tình đang diễn ra hiện nay trong 5 ngày bên trong trung tâm giam giữ và giữa những người thực sự được thả ra với tư cách người tị nạn.”

Bộ trưởng Bộ Di trú Scott Morrison chưa trả lời công khai về những cáo buộc có liên quan đến việc tự hại mình ở Nauru. Chính sách tiêu chuẩn của chính phủ nhằm thường là từ chối tiết lộ thông tin về những vụ việc như thế.
Canberra đang tìm cách tái lập thị thực Bảo vệ Tạm thời và mưu tìm hậu thuẫn của Quốc hội Úc cho các kế hoạch này.

Các nhà phê bình cho biết thị thực TPV sẽ khiến những người tìm nơi tị nạn, chủ yếu đến từ các nước Nam Á và Trung Đông, lâm vào thế sống một cuộc đời bất trắc trong tình trạng chờ đợi.

Nhưng ông Morrison nói hệ thống sẽ cung cấp an ninh cho hàng ngàn người.

Ông Morrison cho biết: “TPV sẽ được cấp cho tối đa 3 năm và sẽ cho phép hưởng các phúc lợi y tế, an sinh xã hội và quyền làm việc như đã diễn ra dưới chính quyền của ông Howard. TPV sẽ cung cấp cho người tị nạn sự ổn định và cơ hội tiếp tục cuộc sống trong khi cùng lúc bảo đảm là những kẻ buôn người không có được thị thực bảo vệ vĩnh viễn để bán cho những người đến Australia bất hợp pháp”.

Sau 3 năm, những người tị nạn phải nộp đơn lại để xin thị thực tạm thời, lúc đó các giới chức sẽ tái thẩm định tình trạng quốc gia quê hương của họ trước khi xác định là họ có đủ điều kiện cho chương trình hay không.

Tuần rồi, Canberra đã đạt được một thoả thuận trị giá nhiều triệu đôla với Campuchia để tái định cư những người tị nạn ở quốc gia Đông Nam Á nghèo khó này. Các thỏa thuận khác đã chứng kiến những người tìm nơi tị nạn đến Úc bằng thuyền được chuyển ra các trại xử lý ngoài khơi Nam Thái Bình Dương. Các bộ trưởng cho rằng chính sách này ngăn chặn được những người tị nạn khác, trong khi đó, quân đội cũng được mang ra để đưa các thuyền nhân tị nạn qua trở ra khỏi vùng biển của Úc.

Mỗi năm, Australia cấp thị thực tị nạn cho khoảng 13,000 người, theo các hiệp định quốc tế khác nhau.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG