Một cuộc khảo sát lớn nhất thế giới về rác thải ven biển đã phát hiện ra rằng việc đổ rác bất hợp pháp là nguồn chính thải rác trên các bãi biển ở Australia. Thông tín viên Phil Mercer tường trình từ Sydney.
Các nhà nghiên cứu đã rà soát bờ biển rộng lớn của Úc ở các địa điểm cách nhau khoảng 100 cây số và có thu thập được một tập hợp lớn nhất thế giới về dữ liệu có liên quan đến rác thải ra biển.
Cuộc khảo sát được phối hợp bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), và với sự tham gia của các nhóm bảo tồn thiên nhiên và đại công ty xăng dầu Shell.
Các sinh viên, giáo viên, các nhà khoa học và nhân viên của Shell được chiêu mộ để rà soát các bãi biển khắp nước trong khuôn khổ dự án kéo dài 3 năm này.
Công việc của họ đã bác bỏ quan điểm cho rằng rác trôi giạt vào bờ biển Úc do các luồng hải lưu mang rác từ các nước khác đến.
Báo cáo nói việc xả rác bừa bãi và đổ rác bất hợp pháp là nguyên nhân chính tạo ra đa số rác thải ven biển ở Úc. Tiến sĩ Chris Wilcox và là đồng tác giả của báo cáo cho rằng vấn đề này còn tệ hại hơn ở các khu vực gần đô thị.
“Khi bạn đến gần một thành phố dọc bờ biển hơn, bạn sẽ thấy càng nhiều rác thải. Không nhất thiết là chỉ những người sống ở biển, mà nó còn được chuyển qua các cống thoát nước và vào các rạch, xuống rạch vào các sông và đổ ra các vịnh. Do đó, bạn có thể thấy các cụm rác dọc theo bờ biển và ngoài khơi khi bạn đến gần Sydney. Nếu bạn bỏ thời gian ra đi trên tàu và bạn muốn đoán xem bạn có gần tới một thành phố hay không, bạn chỉ cần nhìn vào phía bờ và bắt đầu đếm rác”.
Báo cáo cho biết các rác thải ở biển không những đề ra mối nguy hiểm cho việc vận chuyển mà còn làm tổn hại đến các vỉa san hô và ngành du lịch, giết chết và làm tổn thương dã sinh.
Cuộc khảo sát nhận thấy có khoảng 75% rác dọc bờ biển Úc là nhựa dẻo.
Các nhà nghiên cứu cho biết rác thải gây ảnh hưởng tai hại đối với các loại chim biển. Những con rùa nhỏ còn ăn phải các mảnh rác thải, có thể là bởi vì nhựa mềm và trong trông giống như con mồi tự nhiên của chúng là con sứa.
Australia là châu lục có người ở khô cằn nhất thế giới và có đường bờ biển dài khoảng 50.000 cây số.