Một cuộc khảo cứu mới nói rằng sự phổ biến ngày càng tăng của thực chế Tây phương có thể góp phần làm cho sự biến đổi khí hậu tệ hại hơn. Trong khi thêm nhiều người lấy thịt làm phần chủ yếu trong thực chế của mình, các tác giả khảo cứu nói sẽ rất khó mà giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính.
Dân số toàn cầu được dự báo sẽ tăng tới trên 9 tỷ người trước năm 2050. Và khi dân số tăng, thì nhu cầu thực phẩm cũng gia tăng. Nhu cần về thịt đang tăng đặc biệt nhanh trong nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới. Thực chế Tây phương đã trở thành thời trang ở đó.
Nhiều cuộc khảo cứu đã cảnh báo rằng thực chế Tây phương – đầy các chất béo, đường và muối đang châm ngòi thêm nhiều chứng bệnh không lây truyền – như tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và mập phì. Nhưng cuộc khảo cứu mới được đăng tải trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Thiên nhiên xét đến sự lành mạnh của hành tinh, chứ không phải chỉ là sự lành mạnh của cơ thể.
Đồng tác giả cuộc khảo cứu, ông Chris Gilligan, giáo sư sinh học tại trường Đại học Cambridge, nói rằng phần lớn cuộc khảo cứu tập trung vào việc sản xuất nhiều thực phẩm hơn tác động ra sao đến việc sử dụng đất đai.
Ông nói: “Đó sẽ là một trong những vấn đề chính trong nay mai. Nó đem lại hậu quả dây chuyền đối với sự bảo tồn thiên nhiên, đối với sự đa dạng sinh học, và cả với việc sử dụng đất đai cho các mục đích khác nữa. Chẳng hạn, đối với việc tổ chức, đối với việc cung cấp năng lượng và cách thức chúng ta xử lý nước. Làm thế nào để ta tìm ra được đủ số đất để sản xuất các hoa mầu để tăng hoa mầu – những hoa mầu sau đó được sử dụng để nuôi súc vật và cả những vùng để nuôi súc vật nữa.”
Cuộc khảo cứu nói sử dụng thêm đất để sản xuất thực phẩm kèm theo một cái “giá cao.” Chẳng hạn, phá rừng sẽ đưa đến lượng khí thải carbon cao hơn.
Ông Gilligan giải thích: “Trước tiên, chúng ta nghĩ về việc lấy đâu ra đất mới cho nông nghiệp? Nhiều đất sẽ là do khai phá những khu rừng nguyên sơ. Vì vậy khi ta phá bỏ những khu rừng ấy, ta phá bỏ những cây là những nguồn quan trọng hấp thu khí carbonic. Và trong khi phá rừng thì lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính lại tăng lên.”
Ông Gilligan nói sản lượng lương thực cao hơn cũng sẽ đưa đến việc nhiều khí methane hơn thải vào bầu khí quyển.
Ông nói: “Tăng sản lượng gia súc cũng kéo theo việc sản sinh một khối lượng lớn khi có hiệu ứng nhà kính từ chính những súc vật ấy.”
Khí methane cũng sẽ được phóng ra qua việc sử dụng phân chuồng để làm phân bón. Cuộc khảo cứu nói phá rừng nhiều hơn, sử dụng phân bón nhiều hơn, và khí methane từ gia súc “có phần chắc sẽ khiến cho lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính từ việc sản xuất thực phẩm tăng lên gần 80 phần trăm.”
Ông Gilligan nói những gì con người chọn để ăn là một yếu tố chính thúc đẩy lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính.
Ông nói tiếp: “Đối với nhiều người, ăn thịt rất hấp dẫn. Vị của nó khác. Ta có thể nấu nướng thịt theo nhiều cách, giống như với rau cỏ, đương nhiên. Nhưng dù sao cũng vẫn có sự hấp dẫn ở đó, một sự hấp dẫn khi nói rằng, tôi ăn nhiều thịt hơn trước kia.”
Cuộc khảo cứu cũng nói rằng “sản lượng lương thực là một lực chính thúc đẩy hiện tượng thất thoát sự đa dạng về sinh thái… và sự ô nhiễm.”
Vị giáo sư của trường Cambridge nói giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính có thể liên quan đến việc thuyết phục dân chúng ăn khác đi – nhưng ông nói thêm rằng điều đó sẽ không phải là dễ.
“Có thể có những phương tiện kinh tế để làm việc này, chẳng hạn như qua một khoản thuế đóng vào khí carbonic. Nhưng đó là một biện pháp trừng phạt và có thể là cần thiết. Tuy nhiên, điều nên làm hơn là khái niệm có một đường lối thúc đẩy cách hành xử. Vậy, bạn làm thế nào để thu hút mọi người thay đổi tập quán về thực chế? Đó là quảng bá về những thuận lợi cho sức khoẻ và hy vọng rằng điều đó sẽ thúc đẩy mọi người thay đổi những gì họ làm.
Giảm thiểu lãng phí trong khi sản xuất lương thực, theo ông, sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả hướng tới việc giảm thiểu ô nhiễm.
“Có rất nhiều sự mất mát về vật chất qua sự lãng phí ở các nước đang phát triển trước mùa thu hoạch – và ở các nước phát triển, rất buồn là sau mùa thu hoạch. Liệu chúng ta có thể tiến tới một sự giảm thiểu chẳng hạn sự lãng phí, có thể đưa đến sự giảm thiểu đáng kể trong lượng khí thải nhà kính.”
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc ước tính một phần ba số thực phẩm sản xuất để con người tiêu thụ mỗi năm bị thất thoát hay lãng phí. Đó là vào khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm mà không ai ăn được. Chương trình này nói riêng ở Hoa Kỳ, 30 phần trăm toàn bộ số thực phẩm bị vứt đi.
Cuộc khảo cứu cho biết tiếp rằng thực chế Tây phương có đặc điểm là “tiêu thụ thực phẩm quá mức.” Các nhà khảo cứu đã đề xuất điều họ gọi là một thực chế cân bằng “trung bình” giảm bớt áp lực đối với môi trường. Thực chế này bao gồm “hai phần 85 gram thịt đỏ và 5 quả trứng mỗi tuần,” cùng với một phần thịt gà mỗi ngày.
Họ nói rằng vấn đề không phải là ăn chay. Vấn đề là ăn một cách hợp lý, trong khi bảo vệ môi trường.