Hai cường quốc Hồi Giáo kình địch nhau - Ả Rập Xê-út và Iran, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Riyadh xử tử một giáo sĩ Shia bất đồng chính kiến hàng đầu vào cuối tuần qua. Các nhà phân tích nói Ả Rập Xê-út, dưới áp lực của giá dầu sụt giảm và thách thức ngày càng tăng của Iran, muốn gởi một thông điệp rõ ràng cho bất cứ ai muốn thách đố quyền hạn của vương quốc của họ. Thông tín viên Đài VOA Sharon Behn tường thuật.
Căng thẳng giáo phái giữa hai nước kình địch Ả Rập Xê-út và Iran, và những đồng minh trong vùng, bùng nổ dữ dội sau khi Riyadh xử tử một giáo sĩ Shia hàng đầu.
Ông Aaron David Miller, một nhà phân tích về Trung Đông thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nói:
“Đây là một sự leo thang rõ rệt về phần Ả Rập Xê-út. Nhưng đây cũng là sự phản ánh của một cuộc chiến tranh lạnh, rất lạnh, đã kéo dài từ nhiều năm nay.”
Tehran tố cáo Riyadh xúi giục bạo loạn thông qua các lực lượng tay sai trong vùng.
Ông Ishaq Jahangiri, Phó Tổng thống Iran, nói:
“Những điều quý vị làm trong quá khứ, như thành lập những tổ chức khủng bố, đã không mang lại điều gì cho khu vực ngoài những xáo trộn. Hậu quả của những việc này chỉ là tạo nên những sự bất ổn tại Syria, Iraq và những nơi khác.”
Những người Hồi Giáo Shia tại Baghdad so sánh hành động của Riyadh với hành động của các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo, thuộc Hồi giáo Sunni. Tuy nhiên, Riyadh cũng xử tử hàng chục người Hồi giáo Sunni bất đồng chính kiến mà họ cho là những phần tử cực đoan.
Nhà phân tích Miller nói:
“Đây là cách để đánh đi một thông điệp rõ ràng cho những người bất đồng chính kiến Shia và những phần tử thánh chiến Sunni.”
Bất kể ý đồ của Ả rập Xê út là như thế nào, thì việc xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr chắc chắn sẽ gây nên những căng thẳng về giáo phái trong vùng.
Bà Barbara Slavin, một nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương nói:
“Hiện có chiến tranh tại Syria, Yemen và Iraq, có căng thẳng tại những nơi như Bahrain và Libăng, và với hành động như thế này, Ả Rập Xê-út đã làm cho sự chia rẽ giữa Sunni và Shia trở nên sâu sắc hơn nữa.”
Việc này cũng có thể làm tổn hại cho những nỗ lực đang được tiến hành nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria. Bà Slavin nói tiếp:
Làm thế nào Iran và Ả Rập Xê-út có thể ngồi vào bàn hòa đàm sau khi đã xảy ra những việc như vậy?”
Ả Rập Xê-út bênh vực hành động của họ. Họ nói rằng Iran cùng với những đồng minh của nước này và Sheikh al-Nimr là những kẻ khuyến khích cho bọn khủng bố.