Đường dẫn truy cập

Iran thề sẽ 'báo thù vì đạo' việc Ảrập Xêút hành quyết giáo sĩ Shia


Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói chuyện với sinh viên ở Tehran, Iran, hôm 3/11.
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói chuyện với sinh viên ở Tehran, Iran, hôm 3/11.

Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói Ảrập Xêút sẽ bị "trời phạt" vì đã xử tử ông Sheikh Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Shia nổi tiếng đã chỉ trích hoàng gia trị vì Ảrập Xêút.

Đài truyền hình nhà nước Iran trích thuật lời giáo chủ Khamenei nói rằng "máu của người tử vì đạo bị áp bức không chính đáng này đổ ra chắc chắn sẽ nhanh chóng cho thấy ảnh hưởng và sự báo thù vì đạo lên các chính trị gia Ảrập Xêút."

Lãnh tụ tối cao Iran nói ông Nimr "không khuyến khích công chúng hành động bằng vũ khí mà cũng không bí mật âm mưu điều gì, mà điều duy nhất ông làm là chỉ trích hoàn toàn công khai xuất phát từ nhiệt thành tôn giáo của ông."

Những người biểu tình Iran phẫn nộ đã tấn công Ðại sứ quán Ảrập Xêút tại Tehran và lãnh sự quán ở Mahshad, đập nát bàn ghế và nổi lửa tại Ðại sứ quán ở thủ đô của Iran trước khi bị cảnh sát đẩy lui.

Ít nhất 40 người biểu tình bị bắt giữ. Tổng thống Iran gọi tấn công nhắm vào các phái bộ ngoại giao "là hoàn toàn không thể biện minh," mặc dù ông lên án việc Riyadh hành quyết giáo sĩ Shia, 56 tuổi.

Vệ binh Cách mạng Iran nói trong một thông báo hôm Chủ nhật rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ dẫn đến "suy vong " của vương triều Ảrập Xêút. Vệ binh Cách mạng mô tả việc hành quyết ông Nimr giống như một hành động dã man thời trung cổ.

Vụ hành quyết giáo sĩ Nimr khiến cho nhiều nước trên thế giới phẫn nộ và làm gia tăng căng thẳng ngoại giao trong khu vực. Tình hình bất ổn được dự báo sẽ nổ ra tại nhiều khu vực có đông người theo phái Shia.

Đại giáo sĩ Iraq Ayatollah Ali al-Sistani gọi vụ xử tử này "là bất công và gây hấn."

Ông Nimr nằm trong số 47 người bị xử tử hôm thứ Bảy ở Ảrập Xêút. Giáo sĩ Shia nổi tiếng này năm 2014 bị kết tội xúi giục bạo loạn cùng với những tội trạng khác và bị kết án tử hình. Ông là người thẳng thắn chỉ trích hoàng gia trị vị Ảrập Xêút và là một thủ lãnh quan trọng của các cuộc biểu tình của người Shia tại Ảrập Xêút năm 2011.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon nói ông "thực sự sửng sốt" trước việc ông Nimr và 46 người khác bị hành hình, và ông kêu gọi bình tĩnh và tự chế."

Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng việc xử tử ông Nimr sẽ tăng thêm thù hận giáo phái trong khu vực.

"Chúng tôi hết sức lo ngại rằng việc giáo sĩ Shia nổi tiếng đồng thời là một nhà hoạt động chính trị, ông Nimr, bị tử hình sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng căng thẳng giáo phái và thời điểm mà việc giảm thiểu căng thẳng đang hết sức cần thiết," người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông báo.

Iran phản ứng

Nước có đa số người Hồi giáo Shia là Iran đã nhiều lần yêu cầu Ảrập Xêút ân xá cho ông Nimr, mới đây đã có những phản ứng mạnh mẽ nhất. Tehran nói Riyadh sẽ phải trả giá đắt cho vụ xử tử này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, ông Hossein Jaber Ansari, cực lực chỉ trích Ảrập Xêút đã làm gia tăng căng thẳng giáo phái trong khu vực.

Chủ tịch quốc hội Iran nói Ảrập Xêút, đất nước xây dựng trên nền tảng của ý thức hệ Sunni cực kỳ bảo thủ, sẽ bị "rối loạn" mà không có lối thoát.

Iran đã triệu tập đại sứ Xêút ở Tehran để phản đối vụ xử tử giáo sĩ Nimr.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút Mansour Ben Turki gọi phản ứng của Iran là "vô trách nhiệm," và Riyadh cũng đã triệu tập đại sứ Iran để phản đối những phản ứng của Iran.

Một giáo sĩ Shia hàng đầu ở Libăng cảnh báo sẽ có trả thù cho vụ ông Nimr bị xử tử. Giáo sĩ Sheikh Abdul Amir Kaba lan nói: "Đây là một tội ác ở một mức độ của con người, và trong những ngày tới sẽ lãnh nhận hậu quả."

Iran và Ảrập Xêút tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng ở Iran năm 1979, sự kiện đã đưa các giáo sĩ Shia theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền lực. Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq càng thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng chủng tộc và giáo phái bằng việc đưa đến một chính phủ do những người Shia lãnh đạo tại Baghdad và một sự chuyển biến quan trọng trong cán cân thần quyền trong khu vực.

Sau các cuộc biểu tình của phong trào Mùa Xuân Ảrập nổ ra vào năm 2011, Ảrập Xêút và Iran bước vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khốc liệt tại Syria, nơi hai bên hậu thuẫn cho các bên đối nghịch nhau trong cuộc xung đột, và tại Yemen, nơi Ảrập Xêút đã oanh kích phiến quân là đồng minh của Iran kể từ tháng 3. Hai nước này cũng hậu thuẫn cho các nhóm chính trị đối lập nhau ở Libăng, Iraq và Bahrain.

Các cuộc biểu tình phản đối vụ giáo sĩ Nimr bị xử tử cũng diễn ra tại Bahrain, nơi cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông. Biểu tình cũng diễn ra tại Ấn Ðộ, và bên ngoài Ðại sứ quán Ảrập Xêút ở London.

Thêm nhiều cuộc biểu tình đang được hoạch định sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại Libăng và Tehran.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG