Australia và Thái Lan yêu cầu Miến Điện cải thiện thành tích nhân quyền, kể cả việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trước khi nhận chức chủ tịch của ASEAN gồm 10 nước thành viên vào năm 2014.
Hồi đầu tháng này, có tin cho hay Lào đã đồng ý trao đổi để Miến Điện giữ chức chủ tịch vào năm 2014 và Lào làm chủ tịch vào năm 2012.
Yêu cầu vừa kể được loan báo trong các cuộc thảo luận hồi cuối tuần vừa qua tại Bangkok giữa Ngoại trưởng Kevin Rudd của Australia và Ngoại trưởng Kasit Piromya của Thái Lan.
Trước đây, Miến Điện đã từ bỏ quyền giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2005 vì gặp phải áp lực quốc tế về thành tích nhân quyền của họ. Bây giờ Miến Điện cho rằng họ đã thực hiện những cải cách chính trị, bao gồm việc tổ chức tổng tuyển cử hồi năm ngoái và lập ra một quốc hội mới đồng thời với việc trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sau cuộc bầu cử quốc hội.
Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền nói rằng quốc hội vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội và các đảng chính trị do quân đội hậu thuẫn, trong khi hơn 2.000 tù nhân chính trị tiếp tục bị giam cầm và những vụ tấn công nhắm vào các sắc dân thiểu số vẫn tiếp diễn.
Việc để cho Miến Điện giữa chức chủ tịch vào năm 2014 đã gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN.
Ngoại trưởng Kevin Rudd của Australia nói rằng Miến Điện cần đạt được tiến bộ trước khi nhận chức chủ tịch ASEAN.
Ông Rudd nói: "Quan điểm của Australia chúng tôi là chúng tôi muốn trông thấy những sự cải thiện về nhân quyền và dân chủ ở Miến Điện. Trong quá khứ chúng tôi đã hoan nghênh việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi nhưng chúng tôi vẫn có những mối quan tâm sâu sắc đối với việc khoảng 2 ngàn tù nhân chính trị vẫn tiếp tục bị giam cầm."
Ông Rudd cũng nói tới những vấn đề như 110 ngàn người Miến Điện sinh sống tại các trại tị nạn ở miền tây Thái Lan và hàng vạn người khác phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở trong nước vì các cuộc giao tranh giữa quân đội Miến Điện với các nhóm sắc tộc.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natelagawa, đương kim chủ tịch ASEAN, sẽ đến thăm Miến Điện để đánh giá khả năng của nước này trong việc tổ chức các hội nghị ASEAN vào năm 2014.
Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya nói rằng công tác đánh giá đó phải bao gồm những tiến bộ mà Miến Điện có được sau cuộc tổng tuyển cử và những nghĩa vụ mà Miến Điện phải tuân hành dựa theo Hiến chương ASEAN, bao gồm việc tôn trọng nhân quyền. Ngoại trưởng Kasit nói thêm rằng có những vấn đề còn tồn đọng.
Ông Kasit nói: "Đặc biệt là việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị còn ở trong tù, tình hình tự do tổng quát hay tự do hóa toàn bộ tiến trình chính trị, cùng với cuộc đối thoại được chờ đợi đã lâu giữa người đại diện cho phe đối lập là bà Aung San Suu Kyi với tân chính phủ Miến Điện trong khuôn khổ của toàn bộ tiến trình hòa giải và xây dựng quốc gia."
Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh lập trường của Australia và Thái Lan trong việc thúc đẩy cải cách chính trị ở Miến Điện. Bà Debie Stothard, người phát ngôn của Mạng lưới ASEAN Thay thế, phát biểu như sau.
Bà Stothard nói: "Không nên để cho Miến Điện làm chủ tịch ASEAN cho tới khi nào họ có cải cách thật sự và điều đó có nghĩa là trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và ngưng chỉ cuộc chiến tranh chống lại các cộng đồng sắc tộc thiểu số."
Bà Stothard nói rằng nếu Miến Điện nhận chức chủ tịch ASEAN năm 2014 mà không tiến hành cải cách thì các nước đối tác đối thoại chính của ASEAN, bao gồm Australia, Canada, Liên hiệp Âu Châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, có thể sẽ tẩy chay các hội nghị của hiệp hội này.
Australia và Thái Lan đang gây sức ép đòi Miến Điện cải thiện thành tích nhân quyền trước khi nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben gởi về từ Bangkok, yêu cầu vừa kể nhận được sự hậu thuẫn của các tổ chức nhân quyền giữa lúc có sự lo ngại là các đối tác đối thoại chính của ASEAN có thể tẩy chay nếu Miến Điện không tiến hành cải cách.