Các giới chức tại Bộ Ngoại giao nói rằng việc cử nhà ngoại giao này tới Miến Điện không có nghĩa là Hoa Kỳ giảm bớt sự chỉ trích về những sự thay đổi chính trị ở Miến Điện, mà điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn tiếp tục tìm cách đối thoại với Miến Điện.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Joseph Yun, đã tới Rangoon ngày hôm nay và dự kiến sẽ tới thẳng thủ đô hành chính Naypitaw.
Lần gần đây nhất nhà ngoại giao cấp cao này tới thăm Miến Điện là hồi tháng 12 năm ngoái, vì vậy chuyến thăm kéo dài 4 ngày lần này của ông sẽ là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi tân chính phủ tuyên thệ nhậm chức hôm 30 tháng 3.
Chính quyền quân nhân vốn cai trị Miến Điện trong nhiều thập niên đã nhượng quyền vào thời điểm đó, sau một cuộc bầu cử bị nhiều người chỉ trích là cuộc bầu cử giả hiệu hồi tháng 11 năm ngoái.
Một phần tư số ghế trong tân quốc hội được dành riêng cho các giới chức quân đội và hơn một nửa số ghế còn lại do một đảng thân chính phủ giành được.
Khi loan báo về chuyến thăm của ông Yun, Quyền Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner nói rằng Hoa Kỳ vẫn coi tiến trình chính trị ở Miến Điện là có nhiều sai phạm và không có ảo tưởng gì về các cuộc hội đàm tuần này.
Ông Toner nói: “Chuyến thăm phù hợp với đường lối song hành của chúng tôi. Chúng tôi không hề lạc quan quá mức về chuyến đi này. Chúng tôi công nhận rằng có một số thách thức khá nghiêm trọng cần phải giải quyết trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách song hành, trong đó một mặt gây áp lực nhưng mặt khác cũng có những biện pháp khuyến khích có nguyên tắc.”
Một giới chức cấp cao phát biểu với các phóng viên rằng ngoài cuộc gặp với các giới chức chính phủ và các thành viên xã hội dân sự, ông Yun sẽ tìm cách gặp nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, người đã được trả tự do hồi tháng 11 sau khi bị giam giữ phần lớn thời gian trong 20 năm trước.
Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử của Miến Điện hồi năm 1990 nhưng bị quân đội cấm không được lên nắm quyền. Cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái bị phần lớn phe đối lập tẩy chay.
Trong một thông báo gửi Quốc hội hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện, gồm một lệnh cấm thương mại gần như hoàn toàn, vốn sẽ hết hạn vào tháng này nếu không được gia hạn.
Thông báo về việc gia hạn có tính chất thường lệ này nói rằng Miến Điện vẫn thực hiện những hành động đi ngược với các lợi ích của Hoa Kỳ, gồm cả việc đàn áp phe đối lập dân chủ trên qui mô lớn.
Hôm thứ hai, Bộ ngoại giao cũng phản đối một chương trình ân xá có giới hạn mà Tổng thống Miến Điện Thein Sein loan báo, trong đó qui định giảm án 1 năm cho tất cả các tù nhân Miến Điện, cùng một số hành động khác.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Miến Điện nên trả tự do ngay lập tức cho tất cả khoảng 2.200 tù nhân chính trị ở nước họ.
Hoa Kỳ đang cử một nhà ngoại giao cấp cao tới Miến Điện để thực hiện các cuộc hội đàm với mục đích “giới thiệu” với tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa. Tân chính phủ nhậm chức hồi cuối tháng Ba để thay thế chính quyền quân nhân, tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng quân đội vẫn duy trì quyền kiểm soát. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết qua bài tường trình của thông tín viên VOA David Gollust từ Bộ Ngoại giao.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1