Một nhóm người biểu tình nhỏ nhưng ồn ào bên ngoài văn phòng của bộ Di trú ở Sydney đã cáo buộc chính phủ khôi phục các chính sách của cựu thủ tướng thuộc đảng bảo thủ John Howard, người từng dùng tàu đưa những người xin tị nạn trái phép ra các trại ở Nam Thái Bình Dương, nơi họ bị bác các quyền cơ bản.
Những người biểu tình đeo mặt nạ quỷ để nêu bật điều họ gọi là các chính sách bất nhân, được chính phủ Lao động ‘đưa về từ cõi chết’.
Chính phủ Lao động đang bị áp lực phải ngăn chặn tình trạng tăng vọt những người tị nạn bất hợp pháp, mà hàng nghìn người trong số đó tới bằng thuyền trong những tháng gần đây.
Hồi tháng Tư, tình trạng chật chội tại các trung tâm tạm giữ đã dẫn tới cuộc bạo loạn đầy bạo lực của những người bị tạm giữ.
Thủ tướng Julia Gillard gần đây đã đạt được một thỏa thuận đưa 800 người xin tị nạn ở các trung tâm tạm giữ của Australia tới Malaysia.
Đổi lại, Kuala Lumpur sẽ đưa khoảng 4 nghìn người phần lớn là người tị nạn Miến Điện, được coi là thực sự cần bảo vệ, tới Australia.
Chính phủ nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ gây trở ngại cho các hoạt động của bọn buôn người, ngăn cản bọn họ bảo đảm với khách hàng đã trả tiền để được đi thẳng sang Australia.
Ông Ian Rintoul thuộc Liên đoàn Hành động vì người tị nạn Australia, đã tổ chức cuộc tuần hành hôm nay, cho rằng chính phủ hiện nay đang cư xử tệ đối với những người xin tị nạn, giống như chính phủ trước.
Ông nói: “Hôm nay là thứ sáu ngày 13, và dường như đây là một thời điểm thích hợp để nói về chuyện phục hồi những chính sách đã chết, hoặc những chính sách nên được để cho yên nghỉ. Trong hai lần thông báo gần đây, chính phủ Gillard đã đề cập tới vấn đề tái thực thi các visa bảo vệ tạm thời, và giờ là phiên bản của “Giải pháp Thái Bình Dương,” nhưng dán lại nhãn hiệu là “Giải pháp Malaysia.” Đó là hai chính sách mà mọi người nghĩ là đã chết và chôn sâu khi tống khứ được Howard năm 2007. Chính phủ Gillard đang hồi sinh chúng.”
Chính phủ ở Canberra nhấn mạnh rằng những người xin tị nạn được chuyển từ Australia sang Malaysia sẽ được đối xử tử tế. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền nói rằng Kuala Lumpur có một thành tích tệ hại là ngược đãi người tị nạn.
Trong một phúc trình về nhân quyền công bố hôm nay, Hội Ân xá Quốc tế cảnh báo Australia không nên đưa người xin tị nạn tới Malaysia. Tổ chức này nói rằng các trại ở đó thường chật chội, và việc đánh phạt xảy ra khá lan tràn.
Các giới chức di trú Australia cũng đang thảo luận về việc tái mở cửa một trung tâm xử lý ở ngoài khơi tại Papua, New Guinea.
Cho dù có tranh cãi, Australia là một quốc gia gồm nhiều người nhập cư. Gần một phần tư dân số sinh ra ở nước ngoài.
Kể từ cuối Thế chiến II, gần 700 nghìn người tị nạn đã tái định cư ở Australia.
Hàng năm nước này cấp khoảng 13 nghìn visa tị nạn theo các chương trình quốc tế khác nhau.
Các kế hoạch mới gây tranh cãi của Australia nhằm ngăn chặn làn sóng đều đặn những người xin tị nạn bất hợp pháp đang vấp phải sự chỉ trích từ các nhà hoạt động, những người cho rằng các giới chức đang lập lại những chính sách nhập cư cứng rắn trong quá khứ. Từ Sydney, nơi những người biểu tình bên ngoài Bộ Di trú đã lên án thỏa thuận trao đổi người tị nạn với Malaysia, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1