Hôm 29/3, Nghị viện Anh lần thứ ba bác bỏ bản thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit). Điều này có nghĩa là nước Anh giờ đây đang tiến gần tới hạn chót phải rời EU là ngày 12/4 mà không có thỏa thuận nào cả - một kịch bản mà nhiều người sợ là sẽ tàn phá nền kinh tế nước này.
Với việc Nghị viện bế tắc về Brexit – quyết định quan trọng nhất của nước Anh trong thời bình – chính phủ Anh đang lâm vào khủng hoảng toàn diện.
Trước viễn cảnh đó, một số hãng đa quốc gia đã dời trụ sở đi nơi khác trong khi nỗi lo sợ thuốc men thiếu hụt một khi nước Anh ra đi mà không có thỏa thuận ngày càng tăng.
Nhiều lựa chọn vẫn còn để ngỏ: từ dứt bỏ hoàn toàn một cách táo bạo với không có thỏa thuận nào cho đến bỏ luôn Brexit. Tuy nhiên, Nghị viện Anh đã đưa lên bàn cân một số lựa chọn khác bằng cách bỏ phiếu thăm dò nhưng tất cả đều bị bác.
Ngày 29/3, ngày thỏa thuận của bà May bị bác lần ba, cũng là ngày đáng lẽ nước Anh đã phải ra khỏi Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, EU mới đây đã đồng ý đẩy lùi thời hạn chót xuống và nói rằng nếu bà May có thể thông qua được thỏa thuận thì Brexit sẽ có hiệu lực vào ngày 22/5.
Còn nếu Anh không thông qua được thỏa thuận thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận – một kịch bản hỗn loạn – trừ phi cả hai bên đều đồng ý trì hoãn lâu hơn để xem xét lại căn cơ ‘cuộc chia tay’ giữa hai bên.
Điều gì cuối cùng sắp xảy ra sẽ định hình nước Anh và vị thế của họ trên thế giới trong nhiều thập niên tới. Dưới đây là giải nghĩa những điều cần biết về Brexit.
Brexit là gì?
Brexit từ viết ghép của hai chữ ‘Britain’, tức nước Anh, và ‘exit’, tức ra đi. Nó có nghĩa là sự ly khai của Anh khỏi Liên hiệp châu Âu – thay đổi mối quan hệ giữa Anh với EU về thương mại, an ninh và di dân.
Anh quốc đã tranh luận về được và mất nếu gia nhập cộng đồng châu Âu gần như ngay từ khi ý tưởng này hình thành. Họ tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về tư cách thành viên hồi năm 1975, chưa tới ba năm sau khi họ vào khối.
Cho đến năm 2013, Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Mục đích của ông Cameron lúc đó là giải quyết dứt điểm vấn đề này để sau này không ai đưa ra tranh cãi nữa và ông tin rằng phe ‘Ở lại’ sẽ thắng áp đảo phe ‘Ra đi’.
Vào ngày 23/6 năm 2016, vào lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến di dân trở thành chủ đề gây phẫn nộ chính trị trên khắp châu Âu và giữa những cáo buộc mà phe ‘Ra đi’ đưa ra về ‘dối trá’ và ‘gian lận’, người dân Anh đã bỏ phiếu rút ra khỏi EU với 52% số phiếu so với 48% chủ trương ở lại.
Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ không chốt lại được cuộc tranh luận mà còn làm phát sinh ra rắc rối để sau này giải quyết là điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Giờ đây, ngày đó cuối cùng cũng đã đến.
Tại sao Brexit là chuyện lớn?
Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước Anh cũng như là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Việc là thành viên của khối cũng giúp anh củng cố vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu. Sau cuộc trưng cầu dân ý, dường như ngày nào cũng có một tập đoàn lớn loan báo hay đe dọa sẽ rời khỏi nước Anh sau khi London ra khỏi EU, trong đó có hãng chế tạo máy bay Airbus vốn tạo ra 14.000 việc làm hỗ trợ hơn 100.000 việc làm khác.
Chính phủ Anh ước đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ít hơn từ 4% đến 9% trong vòng 15 năm tới so với trước đây khi họ còn trong khối, tùy vào họ ra đi như thế nào.
Tháo gỡ 46 năm hội nhập kinh tế với EU chỉ trong một lần không bao giờ là việc dễ dàng và quá trình Brexit đã bị chao đảo bởi cùng những chia rẽ vốn dẫn đến trưng cầu dân ý ngay từ đầu. Cả hai đảng chính trị chính của Anh – Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động – đều chia rẽ về cần phải làm gì. Điều đó khiến cho Quốc hội Anh ra chia ra năm phe bảy phái đến nỗi sẽ không có bản kế hoạch Brexit nào sẽ được đa số các nghị sỹ ủng hộ.
Bà May đã mất 18 tháng mới thương thảo được thỏa thuận ly dị với EU và trong quá trình đó đã rơi rụng hết bộ trưởng này đến bộ trưởng khác. Bản kế hoạch của bà sẽ giữ nước Anh trong liên minh thuế quan và thương mại với EU cho đến ít nhất là cuối năm 2020 nhưng cuối cùng cũng xác định là sẽ cắt hết mọi liên hệ này. Tuy nhiên nó không đưa ra điều gì sẽ thay thế trong mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.
Khi bà trình kế hoạch Brexit này ra bỏ phiếu lần đầu tiên hồi tháng Giêng, nó đã bị bác với chênh lệnh lớn chưa từng thấy trong lịch sử với 230 phiếu. Khi được đưa ra lần nữa vào tháng Ba thì đỡ hơn một chút nhưng nó vẫn bị bác dứt khoát với tỷ lệ 391-242, tức chênh lệch 149 phiếu. Trong lần bỏ phiếu mới nhất này, thỏa thuận bị bác với chênh lệnh thấp nhất: 58 phiếu.
Tại sao lại liên quan đến biên giới Ireland?
Trở ngại đơn lẻ lớn nhất trong thỏa thuận Brexit là câu hỏi về đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU. Đó là ranh giới vô hình giữa Cộng hòa Ireland nằm trong khối EU với Bắc Ireland, phần lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh.
Bà May và người đồng nhiệm Ireland của bà, Thủ tướng Leo Varadkar, muốn tránh dựng lại các trạm kiểm soát ở biên giới hai bên. Bắc Ireland đã trải qua một thời kỳ bạo lực đẫm máu kéo dài hàng chục năm trước khi đạt được Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành để tái lập hòa bình, và các hàng rào biên giới được dựng trở lại đe dọa phá hủy thỏa thuận này.
Tuy nhiên, cách thức mà bà May thỏa thuận để đảm bảo không xảy ra chuyện này – được gọi là ‘backstop’, tức là ‘chốt chặn được hỗ trợ’ – đã khiến nhiều nghị sỹ bất bình.
Theo cơ chế ‘backstop’ này thì toàn bộ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn duy trì quan hệ thương mại tạm thời với EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng để tránh dựng lại đường biên giới cứng – điều mà những người cổ súy Brexit cứng rắn sợ sẽ không bao giờ xảy ra. Khi đó, nước Anh vẫn sẽ bị cột vào với khối EU.
Và cơ chế này còn buộc Bắc Ireland vào những quy định của EU nhiều hơn nữa – gây ra sự bất bình ở những người không muốn có khác biệt nào giữa luật lệ của Bắc Ireland và phần còn lại của Liên hiệp Vương quốc Anh, trong đó có Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland – đảng liên minh với bà May để giúp bà có thể giữ lại được chính phủ sau thất bại của cuộc bầu cử trước thời hạn hồi năm 2017.
Brexit gay cấn như thế nào?
Khi viễn cảnh đáng sợ về việc Brexit không có thỏa thuận đến gần, bà May đã có nỗ lực cuối cùng để tranh thủ sự ủng hộ đối với thỏa thuận của bà.
Thậm chí, bà còn đánh đổi cả chức Thủ tướng của mình khi nài nỉ các nghị sỹ rằng nếu họ bỏ phiếu cho kế hoạch của bà thì bà sẽ từ chức. Việc này đã kích hoạt nhiều lời đồn đoán về người lên thay bà và việc đấu đá giữa các đối thủ trong nội bộ Đảng Bảo thủ.
Cùng lúc, Nghị viện Anh cũng có một bước đi bất thường là tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu thăm dò về các khả năng Brexit khác với kế hoạch của bà May bất chấp sự phản đối của bà. Kế hoạch này cũng đổ vỡ khi các nghị sỹ bác bỏ toàn bộ tám lựa chọn được đưa ra.
Một số những lựa chọn trong đó bị bác chỉ với chênh lệch hẹp với nhiều nghị sỹ không bỏ phiếu, khiến cho mọi việc trở nên không rõ ràng là nếu tất cả mọi nghị sỹ đều bỏ phiếu thì sẽ như thế nào.
Bà May vẫn chưa tìm ra phương cách vượt qua bức tường Quốc hội dường như không thể vượt qua trong việc lôi kéo các nghị sỹ đứng về phía thỏa thuận mà bà đã đạt được với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ảo tưởng rằng Brexit sẽ dễ dàng đã sụp đổ và các nghị sỹ vốn đã đưa ra lời hứa hẹn đao to búa lớn với cử tri của họ giờ phải đối mặt với thực tế phũ phàng.
Còn lựa chọn nào khác?
Bà May có thể chọn con đường là đi về phía trung dung bằng cách cam kết giữ quan hệ giao thương vĩnh viễn với châu Âu – tức là liên minh thuế quan – để bãi bỏ toàn bộ thuế quan và chỉ tiêu. Bằng cách đó, bà có thể giải quyết bài toán hóc búa về biên giới Ireland và giúp bào giành được một số phiếu từ phía Đảng Lao động đối lập.
Đó sẽ là một kịch bản ‘Brexit mềm’ hơn so với những gì mà bà đã đàm phán với EU để giữ nước Anh vẫn gắn chặt với các thể chế về quan thuế và tiêu chuẩn sản phẩm của EU.
Tuy nhiên điều đó có thể làm phẫn nộ các nghị sỹ cánh hữu trong đảng bà và có nguy cơ làm cho Đảng Bảo thủ bị phân liệt – điều mà bà muốn tránh bằng mọi giá. Do đó, bà đã cố gắng tranh thủ nhóm cứng rắn vốn chủ trương ‘Brexit cứng’ vốn không bị buộc vào nhiều quy định của EU.
Trong số các khả năng được đưa ra bỏ phiếu thăm dò trong tuần nay, có một khả năng tiến gần nhất đến chỗ được chấp thuận là ‘Brexit mềm’ - ở lại trong liên minh thuế quan của EU. Nó bị bác chỉ với cách biệt hẹp là 272-264 nhưng đã có đến 100 nghị sỹ không bỏ phiếu. Do đó, mọi chuyện có thể chuyển biến thế nào nếu như tất cả các nghị sỹ đều bỏ phiếu?
Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập, đã rất cố gắng để không phải cam kết một đường lối Brexit nhất định cho đảng của ông. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhiều thành viên trong đảng, ông đã thể hiện sự sẵn lòng ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý lần ý dưới một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, trưng cầu dân ý có thể có nhiều hình thức và cũng không có sự nhất trí về vấn đề này.
Nhiều người phản đối Brexit muốn có cuộc trưng cầu dân ý mới, tức là lặp lại những gì xảy ra vào năm 2016 và hỏi người dân rằng liệu họ có muốn Brexit hay không. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng đã thay đổi về hướng muốn ở lại EU, nhưng cho đến Nghị viện Anh vẫn chưa xem xét biện phép này.
Vẫn có những cử tri ủng hộ châu Âu muốn Quốc hội giết chết luôn Brexit hay ít nhất là hoãn lại nó trong nhiều năm.
Ra đi mà không có thỏa thuận vẫn là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Phe chủ trương Brexit cứng rắn trong Đảng Bảo thủ khẳng định rằng chẳng thà không có thỏa thuận còn hơn trì hoãn lâu.
Điều gì xảy ra kế tiếp?
Thất bại thứ ba của bà May trước mắt sẽ khiến cho vị Thủ tướng đã bị suy yếu đáng kể này với hai lựa chọn mà bà không mong muốn: ra đi vào hạn chót 12/4 mà không có thỏa thuận; hay là bà có thể yêu cầu các lãnh đạo châu Âu trì hoãn kéo dài.
Tuần tới sẽ rất quan trọng – nếu không tìm được một lựa chọn thay thế cho thỏa thuận của bà May – thì Anh sẽ ra đi vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận.
Điều duy nhất mà đa số nghị sỹ có thể đồng ý là họ không muốn cắt đứt với EU mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên trì hoãn kéo dài sẽ khiến cho phe ủng hộ Brexit nổi giận. Họ cho rằng trì hoãn có nghĩa là đang từng bước giảm nhẹ hay thậm chí bóp chết Brexit hoàn toàn.
Không ai biết được mọi việc sẽ diễn ra thế nào. Một số người chủ trương Brexit nhiệt thành, vốn có thể chấp nhận ra đi không có thỏa thuận, đã đổi ý để ủng hộ thỏa thuận của bà May trong lần bỏ phiếu thứ ba. Họ tin rằng đó có thể là cơ hội duy nhất của họ để tránh ‘Brexit mềm’. Họ lo sợ rằng nếu không có gì được thông qua trước hạn chót ngày 12/4 thì chính phủ có thể đồng ý trì hoãn Brexit lâu hơn để tránh kịch bản không có thỏa thuận. Điều này sẽ giúp cho những tiếng nói yêu cầu trưng cầu dân ý lại có thời gian để tranh thủ sự ủng hộ. Mà một khi trưng cầu dân ý lại thì có khả năng dân Anh đảo ngược lại toàn bộ quyết định ra khỏi EU.
Bà May đã nói rằng EU đã nói rất rõ với bà rằng việc trì hoãn thêm cần phải có mục đích rõ ràng và cần phải được sự nhất trí của nguyên thủ 27 nguyên thủ quốc gia thành viên trước ngày 12/4.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 29/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo nước Anh rằng bất kỳ yêu cầu gia hạn nào cũng sẽ không tự động được thông qua mà chỉ được xem xét ‘nếu lựa chọn thay thế là đáng tin tưởng và được đa số nghị sỹ Anh ủng hộ’.
Nếu bà May không thể thực hiện được Brexit hay tổ chức trưng cầu dân ý lại – cả hai điều mà bà phản đối gay gắt trước đây – thì lựa chọn duy nhất còn lại của bà là tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên việc này không dễ dàng. Luật yêu cầu phải có hai phần ba Nghị viện đồng ý mới tổ chức tổng tuyển cử. Hiện không rõ các nghị sỹ Đảng Bảo thủ có chịu tổ chức bầu cử không do họ sợ rằng cử tri sẽ đổ lỗi cho họ về cách xử lý Brexit hỗn loạn.
Chỉ có một điều chắc chắn: nước Anh chìm trong hỗn loạn.
(Theo New York Times / CNN)