Nghị viện Anh hôm 12/3 một lần nữa bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May để rời Liên minh Châu Âu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng của đất nước suốt nhiều thế hệ. Diễn biến này xảy ra chỉ 17 ngày trước ngày Anh dự kiến rời khỏi EU.
Các nghị sĩ đã biểu quyết chống lại thỏa thuận Brexit được sửa đổi của bà May với tỉ lệ 391-242, trong khi các cuộc đàm phán vào phút cuối của bà với các nhà lãnh đạo EU hôm thứ Hai nhằm xoa dịu lo ngại của những người chỉ trích bà cuối cùng không đi đến đâu.
Cuộc biểu quyết này đẩy nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào tình thế mù mịt bất định mà không có con đường rõ ràng nào tiến về phía trước: rời EU mà không có thỏa thuận, trì hoãn ngày rời đi 29 tháng 3, một cuộc bầu cử chóng vánh, hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý khác giờ đều là những điều khả dĩ.
Bà May thậm chí có thể thử lần thứ ba để giành được sự ủng hộ của nghị viện với hi vọng rằng các nghị sĩ cứng rắn có chủ trương hoài nghi Châu Âu trong Đảng Bảo thủ của bà, những người chỉ trích bà mạnh nhất về thỏa thuận rời đi, có thể đổi ý nếu có nhiều phần chắc Anh sẽ ở lại EU.
Dù bà thua, song cách biệt thất bại nhỏ hơn mức 230 biểu quyết mà thỏa thuận của bà hứng chịu hồi tháng 1.
Các nghị sĩ vào ngày thứ Tư sẽ biểu quyết về việc Anh có nên rời khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới mà không có thỏa thuận nào hay không, một tình huống mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo sẽ gây hỗn loạn cho các thị trường và chuỗi cung ứng, và những người chỉ trích khác nói có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.
Những người ủng hộ Brexit lập luận rằng, dù việc rời đi không có thỏa thuận có thể đưa tới một số bất ổn trong ngắn hạn, về lâu dài, nó sẽ cho phép Vương quốc Anh phát triển và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại có lợi trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nghị viện có phần chắc cũng sẽ mạnh mẽ bác bỏ Brexit không có thỏa thuận, do đó vào ngày thứ Năm, các nghị sĩ sẽ biểu quyết về việc chính phủ có nên yêu cầu trì hoãn ngày rời đi để cho phép đàm phán thêm hay không.
Cả bà May và EU đã nói sẽ không còn bất kì thay đổi nào nữa đối với thỏa thuận này, đạt được sau hai năm rưỡi đàm phán phức tạp.