Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nhà lập pháp cùng thuộc đảng Bảo thủ với bà hôm thứ Tư, 12/12. Đây là vấn đề mới nhất nảy sinh từ việc bà xử lý quy trình rút nước Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu.
Nếu đa số đảng viên Bảo thủ trong Hạ viện bỏ phiếu chống bà May, bà sẽ phải từ chức thủ tướng. Nhưng nếu bà không bị hề hấn gì sau cuộc bỏ phiếu, phải sau một năm mới có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác.
Bà May tuyên bố sẽ chống lại cuộc bỏ phiếu "với tất cả những gì" mà bà có, và nói rằng việc thay đổi giới lãnh đạo vào lúc này sẽ gây nguy hiểm cho quá trình Brexit.
Ian Lavery, chủ tịch Công đảng, đảng đối lập chính, nói trong một tuyên bố rằng "Sự yếu kém và thất bại của bà May đã làm tê liệt chính phủ hoàn toàn vào thời điểm quan trọng này đối với đất nước".
Quan chức đảng Bảo thủ Graham Brady công bố cuộc bỏ phiếu hôm 12/12, nói rằng đã có đủ ít nhất 15% các nghị sĩ trong đảng đưa ra yêu cầu về cuộc bỏ phiểu. Ông cho biết kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được công khai "sớm nhất có thể được".
Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Hai bên đã soạn ra một thỏa thuận về các điều khoản cho việc tách ra khỏi nhau sau các cuộc đàm phán kéo dài, nhưng thỏa thuận này phải được quốc hội Anh phê chuẩn, và đầu tuần này bà May đã hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu đã được lên kế hoạch, mà có phần chắc là nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra, bản thỏa thuận sẽ không được thông qua.
Bà May sau đó đã cố gắng cứu vãn bản thỏa thuận bằng các cuộc đàm thoại với các nhà lãnh đạo châu Âu. Nhưng các quan chức EU đã kiên quyết cho thấy là họ không muốn đàm phán lại các điều khoản.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đã đề nghị tổ chức một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU để thảo luận về Brexit vào hôm 12/12, bao gồm cả khả năng đến ngày 29/3 vẫn chưa có thỏa thuận nào được thi hành.