Sau khi ‘tứ trụ’ an vị, bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam bị đặt trước những thách thức lớn từ kinh tế, xã hội cho đến vấn đề chủ quyền. Giới phân tích quốc tế nói Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề lớn có thể ‘kiểm tra’ khả năng của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và dàn lãnh đạo mới trong mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh giữa tình hình ngày càng căng thẳng trong khu vực.
Ngay hôm tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những trọng tâm ưu tiên của nghị trình làm việc trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông, trong đó có mục tiêu ‘kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia’.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, 61 tuổi, người cuối cùng trong 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, đã chính thức được Quốc hội công nhận chức vụ mới hôm 7/4.
Việc ông Phúc và ban lãnh đạo mới được gấp rút đề cử và nhậm chức sớm hơn thông lệ, chỉ chưa đầy 3 tháng thay vì khoảng 6 tháng kể từ đại hội đảng Cộng sản lần thứ 12 diễn ra vào tháng 1/2016, được cho biết một phần lý do là vì chuyến đi sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam vào tháng 5 tới và những đụng độ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hồi tuần rồi, Việt Nam lần đầu tiên bắt một tàu chở dầu của Trung Quốc với lý do ‘xâm phạm chủ quyền Việt Nam’ ở Biển Đông, một động thái được cho là cực kỳ hiếm hoi từ phía Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự lấn lướt nhằm khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp.
Mặc dù có sự ủng hộ, nhưng dư luận Việt Nam dường như chưa thỏa mãn với hành động chưa có tiền lệ này. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm ra Luật biểu tình để có thể huy động tiếng nói của người dân trong vấn đề Biển Đông, điều mà đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho là ‘công cụ tốt’ có thể giúp nhà nước phát huy những điều phù hợp với lòng dân mà vẫn phù hợp với ý đồ chính trị.
Nhưng dự thảo về Luật biểu tình của Việt Nam đã bị đẩy lùi, trì hoãn trên bàn nghị hội của Việt Nam từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13. Hôm 17/2, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, dự án này lại bị đề nghị đẩy lùi sang kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, tức vào cuối năm 2016.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lý giải sự trì hoãn này:
“Liên quan đến việc ban hành Luật biểu tình ở Việt Nam, có thể nói rất rõ là dường như có một cái gì đó còn rất là lưỡng lự. Quyền biểu tình là quyền tự nhiên của con người để bày tỏ quan điểm. Nhưng đương nhiên đứng về phía nhà cầm quyền thì bao giờ cũng e ngại rằng nó như một con dao hai lưỡi, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Cho nên không phải chỉ là những vấn đề nguyên tắc để dễ chia sẻ với nhau, dễ nhất trí, nhưng còn về những kỹ thuật cụ thể. Ngay bản thân chúng tôi cũng phải nghĩ tới rằng một luật biểu tình với luật chống biểu tình, cái ranh giới nó rất mỏng manh. Cho nên việc xây dựng một luật như thế rất khó, nhất là ở Việt Nam, khi mà một thời gian rất dài, cho dù Hiến pháp đầu tiên có đề cập tới nhưng hầu như là để sang một bên.”
Ông Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề Luật biểu tình là ‘bài toán không đơn giản’ đối với chính quyền Việt Nam nói chung và với các tân lãnh đạo mới nhậm chức nói riêng.
“Chắc chắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống sự can thiệp, chống sự xâm hại đến lợi ích quốc gia thì tôi nghĩ cái này rất dễ tìm sự đồng thuận chung giữa người dân và nhà nước. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao thực hiện được cái đó bên cạnh sức ép của Trung Quốc trực tiếp, do mối quan hệ mang tính lịch sử, địa chính trị…, kể cả vấn đề liên quan đến thể chế chính trị nữa. Đây có thể nói là bài toán không đơn giản ở Việt Nam.”
Chính tình trạng lấn cấn, chưa tìm ra giải đáp cho bài toán về Luật biểu tình là một trong những nguyên nhân, theo đại biểu Dương Trung Quốc, khiến cho Việt Nam thường chỉ dừng lại ở những thông điệp ‘mang tính nguyên tắc’ trước những hành động lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Chính vì thế trước những biến động của tình hình, phía Việt Nam chỉ đưa ra những thông điệp mang tính nguyên tắc nhiều hơn là làm sao tạo ra một dư luận xã hội mạnh mẽ phản ánh những ý kiến của người dân. Tôi cho đấy là bài toán cần phải giải quyết trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp trước việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hết sức trắng trợn những hành vi xâm phạm chủ quyền.”
Giới phân tích quốc tế cho rằng chính những căng thẳng ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam xa Trung Quốc và gần với Hoa Kỳ hơn. Nhưng trong quan hệ phức tạp giữa 2 đảng Cộng sản láng giềng Việt Nam – Trung Quốc, tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại được kỳ vọng phải đưa chính quyền về lại với nguyên tắc lãnh đạo đồng thuận của đảng Cộng sản, sau một thời gian dài dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có tư tưởng chú trọng cải cách hỗ trợ doanh nghiệp, dẫn đến có những lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc và gây ra những bất đồng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác trong đảng Cộng sản.
Chuyên gia về Biển Đông Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, được tờ Hoa Nam Buổi Sáng trích lời nói dàn lãnh đạo Việt Nam bây giờ có cơ hội để cho thấy một bộ mặt ‘hợp nhất’ hơn so với 5 năm trước trong những sự kiện khiêu khích từ phía Bắc Kinh.
Việc giải quyết thỏa đáng những căng thẳng ở Biển Đông với đối tác thương mại lớn nhất là Bắc Kinh, cùng với những bài toán về nợ công, tăng trưởng kinh tế, các cam kết của TPP (Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương)… là những thách thức mà các chuyên gia cho là cơ hội để tân thủ tướng Việt Nam và dàn lãnh đạo mới ‘trổ tài’.
Your browser doesn’t support HTML5
Trước khi lên nắm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương và là Phó thủ tướng trong nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Your browser doesn’t support HTML5