Cuộc tranh cử tổng thống Pháp chính thức khởi đầu một tháng nay đã bước vào thời kỳ cuối.
Cuộc bỏ phiếu vòng một sẽ diễn ra ngày chủ nhật 22 tháng 4 – 2012, nếu không ai đạt được quá nửa số phiếu (50% +1 ), 2 người được nhiều phiếu nhất sẽ vào vòng hai ngày chủ nhật 6 tháng 5,- hai tuần lễ sau -, ai cao phiếu hơn sẽ trúng cử.
Năm nay số người ứng cử là 10 người, so với 8 người năm 2002 và 12 người năm 2007, là 2 cuộc bầu tổng thống gần đây nhất. Số cử tri Pháp là hơn 40 triệu. Số cử tri không đi bầu năm 2002 là 28%, năm 2007 là 16%.
Trong số những ứng cử viên hàng đầu, được các hãng thăm dò dư luận dự đoán được trên 10% phiếu bầu trong vòng một, có 5 người:
- Nicolas Sarkozy, thuộc đảng UMP (Tập họp Phong trào Dân chúng), hiện là tổng thống Pháp,
- François Hollande, thuộc đảng PS (Xã hội), từng là tổng bí thư đảng Xã hội Pháp,
- Marine le Pen, chủ tịch đảng PN (Quốc gia), là đảng cực hữu;
- François Bayrou, lãnh đạo đảng MODEM (Dân chủ Mới), ở giữa tả và hữu;
- Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo Front de Gauche (Mặt trận Tả khuynh), trong đó có đảng Cộng sản.
Ngoài ra có 5 ứng cử viên khác thuộc đảng Xanh, đảng NPA chống chủ nghĩa tư bản, LO (Phong trào công nhân), đảng DLR (Cộng hòa đứng dậy ), và đảng POE (Công nhân châu Âu). Theo thăm dò dư luận, 5 người này chỉ đạt mỗi người dưới 5% phiếu bầu, sẽ bị loại ngay ở vòng đầu.
Trong tháng 2-2012, các cuộc thăm dò dư luận hàng tuần đều cho thấy ông François Hollande dẫn đầu khá xa người thứ nhì là Tổng thống Nicolas Sarkozy, trong cả vòng một đến vòng 2.
Cuộc thăm dò ngày 24-3 gần đây nhất, ông Sarkozy lại đứng đầu trong vòng một (với 28% số phiếu), ông F. Hollande đứng thứ nhì (26%). Sang vòng hai, ông Hollande vẫn thắng (với 54%) và ông Sarkozy chỉ đạt 46%. Các nhà bình luận cho rằng ông Sarkozy đã vượt lên do trong sự kiện giết người hàng loạt ở Toulouse do nghi can Mohamed Merah theo đạo Hồi cực đoan gây nên, chính quyền đã sớm tìm ra thủ phạm và phản ứng đàng hoàng, kêu gọi đoàn kết quốc gia và tạm hoãn cuộc tranh cử để làm lễ tang.
Dư luận đặc biệt chú ý đến 3 nhân vật le Pen, Bayrou và Mélenchon, đang xấp xỉ nhau, đều ngấp nghé tỷ lệ 15%, chưa biết ai sẽ vượt lên để thành nhân vật thứ ba, thậm chí có thể vượt lên thành nhân vật thứ hai, để vào chung kết trong vòng hai, từ đó còn nuôi hy vọng cuối cùng trở thành tổng thống vào tối chủ nhật 6-5-2012 sắp đến.
Trong 3 nhân vật trên đây, đáng chú ý là ông Mélenchon. Hôm chủ nhật 18-3 ông này đã tập trung được hơn 100 ngàn người tuần hành từ quảng trường Nation đến quảng trường la Bastìlle giữa thủ đô Paris, thanh thế đang còn lên trong khi bà Marine le Pen vốn là nhân vật thứ 3 đang bị giảm độ tín nhiệm.
Chính những khả năng này đang làm cho cuộc bầu tổng thống năm nay thêm phần ly kỳ và lý thú. Mọi người còn nhớ cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 đã gây nên những bất ngờ to lớn, được báo chí hồi ấy gọi là « cuộc động đất » trong bầu cử. Thoạt đầu ai cũng cho rằng Thủ tướng Lionel Jospin của Đảng Xã hội sẽ trúng cử, bỏ xa đương kim tổng thống J. Chirac của UMP đã mỏi mệt, về già. Còn Đảng Quốc gia của ông le Pen thì khó mà lọt vào vòng 2.
Thế nhưng ngay từ vòng đầu, Thủ tướng Jospin bị loại (chỉ được 16,2 % số phiếu bầu), Tổng thống Chirac được tái cử (với 19,9 % số phiếu ở vòng 1 và 72% số phiếu ở vòng 2), còn ông le Pen được 16,9 ở vòng 1 và 28% ở vòng 2 ). Đảng Xã hội PS đến nay còn tiếc rằng nếu như năm 2002 ông Chevènement (vốn là thuộc đảng PS) không ra ứng cử để dồn phiếu cho ông Jospin thì chắc chắn ông Jospin đã trúng cử ở cả vòng 1 và vòng 2, vì ở vòng 1 ông Chevènement đã đạt 1 triệu rưởi phiếu, trong khi ông Jospin chỉ kém ông Chirac đúng 1 triệu phiếu.
Còn gần 4 tuần lễ nữa đến cuộc bầu cử ở vòng 1. Hiện các cuộc thăm dò đều cho rằng 2 ông Sarkozy và Hollande sẽ suýt soát nhau ở vòng 1 và ông Hollande sẽ thắng ở vòng 2. Lý do là cử tri Pháp thất vọng về những lời hứa 5 năm trước của ông Sarkozy là: cải thiện đời sống, nâng cao sức mua của mọi tầng lớp xã hội, giảm thất nghiệp, giữ vững an ninh xã hội, nhưng thực tế lại trái ngược hẳn. Ông có vẻ gần số nhà giàu, ông thuộc tầng lớp giàu có, ít quan tâm đến dân nghèo. Tuy nhiên ông Hollande cũng bị chỉ ra những nhược điểm, là ông chưa ở trong chính quyền, chưa từng làm bộ trưởng, chưa quen giao thiệp quốc tế, chưa có kinh nghiệm giải quyết những cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính - ngoại giao quốc tế.
Năm nay cùng với Pháp, có Hoa Kỳ, Trung Quốc, liên bang Nga là 4 nước lớn có bầu người đứng đầu Nhà nước mới, nên rất được công luận thế giới theo dõi và bình luận.
Sắp đến là 4 tuần lễ cuối của cuộc tranh cử ở Pháp. Các ứng cử viên đang tiến hành các cuộc vận động ở mọi vùng, từ thủ đô Paris đến lãnh thổ hải ngoại, các đảng huy động các nhóm đảng viên nhất là đảng viên trẻ đi vận động, gõ cửa từng nhà các cử tri, phát báo, sách, truyền đơn. Họ cố tranh thủ những cử tri đang còn lưỡng lự, chưa biết nên bỏ cho ai, hoặc không muốn bầu cho ai.
Trên vô tuyến truyền hình, cả 10 ứng cử viên đều được có thì giờ vận động ngang nhau. Ở nơi công cộng, 10 bức chân dung cũng được niêm yết ngang nhau.
Có thể có cuộc «động đất» bất ngờ, không ai lường trước, như tháng 4-2002 ? hay sẽ vẫn ông Sarkozy làm tổng thống nhiệm kỳ thứ nhì? Hoặc ông Hollande sẽ vào điện Élysées?
Hay lại là ông Mélenchon? Hay là ông Bayrou. Cũng vẫn có thể. Và bà Marine le Pen có thể vào vòng 2, như ông Jean Marie le Pen, cha bà, hồi 2002?
Không ai có thể biết chắc chắn được. Điều gì cũng có thể thành hiện thực.
Nền dân chủ thứ thật, hay ho, thú vị, làm người ta hồi hộp, là ở chỗ đó. Không ai biết trước, nói trước như đinh đóng cột được. Lá phiếu có trách nhiệm, có lựa chọn của hơn 40 triệu cử tri trong ngày bầu cử 22-4 và 6-5-2012 sẽ quyết định rõ ràng.
Dân chọn, dân bầu, theo định kỳ là như thế. Không phải đảng chọn, dân bầu, đảng sẽ ở lỳ mãi, không ai thay thế được, như ở chế độ độc đảng, dân chủ chỉ ở đầu lưỡi, trong văn kiện của đảng, mỉa mai, trâng tráo. Vô duyên và tệ hại.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.