Mười ứng cử viên ra tranh chức vụ Tổng thống Pháp, dù không ai hy vọng có được 50% số phiếu cần thiết để thắng ngay vòng đầu. Điều này có nghĩa là hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ đối đầu trong vòng hai, dự trù tổ chức vào ngày 6 tháng 5 tới đây.
Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim Tổng thống Nicholas Sarkozy và ứng cử viên của Đảng Xã hội Francois Hollande sẽ gặp nhau trong vòng nhì. Tuy nhiên, cũng có những ứng cử viên khác đại diện rộng rãi cho các khuynh hướng chính trị.
Phía cực tả có ông Jean-Luc Mélenchon, một cựu đảng viên Trốtkýt và cựu bộ trưởng trong nội các Xã hội, đã bỏ đảng để thành lập liên minh Mặt trận Cánh tả.
Ông Mélenchon - hay đeo càvạt đỏ, biểu tượng của ông - đã huy động được những người ủng hộ cánh tả bằng những ngôn từ mạnh bạo và trí thông minh sắc bén. Trong một cuộc tập họp mới đây tại Paris, ông thu hút được 80.000 người đến nghe, nhiều hơn Tổng thống Sarkozy.
Ông Mélenchon là thành viên của Quốc hội châu Âu nhưng không ủng hộ Liên hiệp châu Âu. Ông đã bác bỏ những biện pháp khắc khổ kinh tế của EU và muốn Pháp rút khỏi NATO.
Đối nghịch chính trị của Mặt trận cánh tả của ông Mélenchon là Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen. Bà là con gái út của ông Jean Marie Le Pen, sáng lập viên của đảng cực hữu.
Ông John Merriman, một chuyên viên về nước Pháp của trường đại học Yale, bang Connecticut, nói một trong chủ đề chính yếu của bà Marine Le Pen là “Hồi Giáo hóa nước Pháp.” Ông nói:
“Có 5 triệu người Hồi Giáo sống tại Pháp và có nhiều người Hồi Giáo khác không khai báo. Và dĩ nhiên một người như bà Marine Le Pen thì muốn đưa ra luận điểm là những người Hồi Giáo này không phải là người Pháp, họ đang làm giảm những giá trị của Pháp và đang làm hư hỏng nước Pháp.”
Giữa Mặt Trận Quốc gia của bà Le Pen và Mặt Trận Cánh tả của ông Mélenchon có ông Francois Bayrou mang quan điểm ôn hòa. Cách đây 5 năm, trong vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống, ông làm rúng động các nhà phê bình và các tổ chức chính trị khi chiếm được gần 1/5 số phiếu.
Các nhà phân tích tin rằng ông Mélenchon, bà Le Pen hay ông Bayrou sẽ không vào được vòng nhì. Tuy nhiên, các chuyên gia nói những cử tri bầu cho 3 chính trị gia này sẽ có một vai trò quan trọng trong vòng hai, chính họ là những người quyết định hoặc đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy tái đắc cử hay ứng cử viên Đảng Xã hội Francois Hollande sẽ vào Điện Élysée.