Khi Đại Hội XI sắp khai mạc: Bao giờ chuyển giao thế hệ?

Khi Đại Hội XI sắp khai mạc: Bao giờ chuyển giao thế hệ?

Kỳ họp thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam vừa bế mạc. Vấn đề quan trọng nhất là tiếp thu những góp ý của toàn đảng và toàn dân để bổ sung vào 3 văn kiện cơ bản là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 xem ra đã bị coi rất nhẹ. Nói thẳng ra là bị khinh thường.

Quốc hội cũng vừa họp xong, nhưng không hề có buổi nào để các đại biểu góp ý cho các văn kiện dự thảo cho Đại hội XI. Cái não trạng của Bộ Chính trị là các văn kiện dự thảo đã được chuẩn bị kỹ rồi, việc đưa ra lấy ý kiến của toàn đảng và toàn dân chỉ là hình thức. Các đại hội trước đây đã vậy, Đại hội này còn tệ hơn nữa.

Xin mọi người chờ xem bản tổng hợp những ý kiến góp ý của toàn đảng và toàn dân sẽ rõ ngay, các ý kiến đáng chú ý, quý giá, có góc cạnh sắc sảo, mang tinh thần sáng tạo, mang giá trị thời đại đều bị loại bỏ kỹ lưỡng, đều bị sàng lọc ngặt nghèo qua lăng kính bảo thủ và giáo điều, lăng kính của chủ nghĩa Marx – Lenin và của Chủ nghĩa xã hội. Cả 2 thứ chủ nghĩa này đều đã bị các trí thức hàng đầu của đảng, kể cà nguyên chủ tịch Quốc hội bác bỏ triệt để. Để thấy rằng Bộ Chính trị hiện tại bảo thủ, già nua đến mức nào trong tư duy khi định hướng cho Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị lần cuối nội dung và nhân sự cho Đại hội XI.

Và từ đó đã có thể thấy trước được rằng người ta không có thể hy vọng được điều gì tốt đẹp ở Đại hội XI sắp đến! Cả về nội dung, đường lối, chính sách, cả về khung nhân sự.

Những văn kiện bảo thủ, già nua, lạc hậu hàng vài chục năm, có thể nói là hàng thế kỷ, do một «hội đồng bô lão» thảo ra, làm sao có thể gây nên cảm hứng tươi trẻ, đầy sức thanh xuân!

Xin nhìn vào tuổi tác của Bộ Chính trị hiện nay, và các chức sắc cao nhất sắp đến. Ông Tổng bí thư đương chức sắp 71 tuổi, tuổi xưa nay hiếm. Ông Tổng bí thư sửa soạn khăn áo để nối ngôi cũng sắp 67 tuổi, nghĩa là đã quá tuổi về hưu. Quan trọng hơn là tư duy chính trị của ông còn già lắm, già hơn tuổi nhiều!

Cả 3 ghế đỏ chót còn lại: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều sắp 62 tuổi, nghĩa là sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi. Trẻ nhất trong Bộ Chính trị là một cụ sắp sửa 61 tuổi. Ở nông thôn ta, các cụ đến 50 tuổi là đã làm lễ «Cáo lão», mở hội khao «Lên lão». Vậy thì Bộ Chính trị hiện nay gọi là «Hội đồng Bô lão» là thích hợp quá còn gì.

Thế mà các văn kiện của đảng Công sản luôn nói đến bàn giao thế hệ, đến trẻ hóa cơ quan lãnh đạo, đến phát hiện, tuyển mộ nhân tài vượt cấp. Nói một đằng, làm một nẻo là thế.

Hãy nhìn lại những người lãnh đạo kỳ cựu của đảng Cộng sản. Ông Trần Phú làm Tổng bí thư khi mới 26 tuổi. Ông Nguyễn Văn Cừ làm Tổng bí thư cũng khi 26 tuổi. Ông Trường Chinh làm Tổng bí thư khi 33 tuổi. Ngay như ông Hồ Chí Minh năm 1945, khi 55 tuổi, làm Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch đảng, lúc ấy đã là «Cụ Hồ», so với người «trẻ» nhất trong Bộ Chính trị hiện nay cũng vẫn còn là «trẻ măng»!

Tất cả 15 vị ủy viên Bộ Chính trị hiện tại so với trước kia, đều là «Cụ cố», là cổ lai hy hết.

Thế là trẻ hóa lãnh đạo, là chuyển giao thế hệ kiểu Cộng sản Việt Nam? Toàn là chuyện trái khoáy, trái quy luật, là những nghịch lý, là dĩ vãng không chịu ra đi.

Hãy nhìn ra thế giới. Ông John F. Kennedy nhận chức Tổng thống Hoa Kỳ năm 1960 khi 43 tuổi. Ông Laurent Fabius nhận chức Thủ tướng Pháp năm 1984 khi 37 tuổi. Mới đây, tháng 5 năm 2010, ông David Cameron nhận chức Thủ tướng nước Anh khi 43 tuổi. Trông người mà ngẫm đến ta. Mà buồn.

Đó mới là tuổi hoa niên, tuổi vừa chín tới, tuổi sung mãn sức xuân cả về thể lực và trí tuệ, của trí tưởng tượng dồi dào, của sức bật ý chí, của tinh thần xốc tới. Trong đảng Cộng sản hiện nay, mọi người bị dồn ứ ở các phòng chờ, từ huyện ủy,chờ lên tỉnh uỷ, thành uỷ, rồi lọt vào thường vụ của đảng uỷ, vào ủy viên thường trực cấp ủy, rồi mới vào được Trung ương. Sau đó, phải chờ ở trung ương 1, 2 khóa mới lọt được vào Bộ Chính trị, lại 1, 2 khóa ở Bộ Chính trị mới lên được chức Tổng bí thư… Cứ mỗi khóa là 5 năm. Tuần tự nhi tiến. Không có cách tuyển chọn nào khác. Đã thành nếp rất cổ hủ, rất trái với quy luật tư nhiên là sự phát triển bất đồng của mọi sinh vật. Thành bô lão, thành lão làng, thành cụ già hết cả. Gần tuổi hưu và quá tuổi hưu hết cả.

Đã có lần trong khóa 8 đã nêu lên giữ nghiêm độ tuổi, không châm chước một ai, cứ 60 là về nghỉ, thế rồi ông Nông Đức Mạnh quá tuổi vẫn được «châm chước đặc biệt», hẹn làm 1 khóa, lại ở lỳ 2 khóa, nay ông Trọng cũng vậy, đã quá 3 tuổi vẫn cứ để làm 1 khóa, nhưng ai biết được, sẽ lỳ ra 2 khóa như chơi.

Đại hội XI có thể gọi là Đại hội của những bô lão chăng? Do các bô lão già nua, bảo thủ cầm cân nảy mực, định hướng cho các văn kiện cốt lõi rất cũ, rất cổ hủ, cho việc lựa chọn các vai vế lãnh đạo quốc gia trong 5 năm đầy thử thách sắp đến.

Thật đáng sợ cho đất nước. Thật đáng lo cho hiện tại, cho tương lai gần, khi tinh thần Bắc thuộc ươn hèn còn dai dẳng, khi hiểm họa môi trường do khai thác bauxite vẫn hiển nhiên, khi nạn nội xâm tham nhũng thêm bất trị, khi nền y tế, nền giáo dục quốc gia vẫn bị buông lỏng, khi nền văn hóa, đạo đức suy đồi không sao ngăn nổi nữa, khi phân hóa 2 cực giàu nghèo mở rộng, khi nông thôn thành bãi rác cho các khu công nghiệp…mà Đại hội XI vẫn nhơn nhơn tự đắc, tự khen, tư mãn, cờ xí, kèn trống om sòm.

Chờ đến bao giờ mới thật sự chuyển giao thế hệ?

Các cụ bô lão không có câu trả lời. Tuổi trẻ Việt Nam há chịu khoanh tay và chịu đựng?

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.