VOA: Theo đánh giá của ông, các lý do nào dẫn tới quá trình hiện đại hóa vũ khí tăng tốc ở Đông Nam Á?
Tiến sĩ Richard Bitzinger: Tôi muốn chia các lý do thành hai phần: một là các yếu tố mang tính thúc đẩy và hai là các yếu tố mang tính điều kiện.
Đối với thành phần đầu tiên, những lý do khiến nhiều nước Đông Nam Á tiến hành hiện đại hóa quân đội gồm có: các căng thẳng trong khu vực như vấn đề tranh chấp lãnh hải hay các tuyên bố chủ quyền trái ngược tại các khu đặc quyền kinh tế ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông); nhu cầu tăng cường khả năng quân sự để có thể chống đỡ được các thế lực khác nhau cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng; việc chuyển hướng các hoạt động quân sự của Mỹ từ Đông Á sang Đông Nam Á cũng như ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc gia tăng ở khu vực biển Nam Trung Hoa. Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ hải quân, triển khai tàu ngầm cũng như máy bay chiến đấu trên đảo Hải Nam ở khu vực biển tranh chấp này. Còn về thành phần thứ hai mang tính điều kiện, thì có thể kể tới chuyện các quốc gia có thêm ngân quỹ để mua sắm vũ khí.
Tổng cộng, chi tiêu quân sự của các nước Đông Nam Á gia tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 2008. Thêm nữa, một yếu tố khác là khả năng sẵn sàng đáp ứng khách hàng của các nhà sản xuất vũ khí. Phần lớn các nước sản xuất vũ khí hàng đầu, đặc biệt là ở Tây Âu, Nga hay Israel về cơ bản sản xuất vũ khí để xuất khẩu sang các nước khác, chứ không phải để dùng ở trong nước.
VOA: Có ý kiến cho rằng nhiều quốc gia mua sắm vũ khí để cho ‘bằng bạn, bằng bè’, ông có đồng ý với quan điểm đó không?
Tiến sĩ Richard Bitzinger: Có một số yếu tố khác tôi gọi là không mang tính chiến lược như niềm tự hào hay thanh thế của một quốc gia. Nước nào cũng muốn có máy bay chiến đấu mới bay trên bầu trời hay xe tăng chạy dọc trên đường phố nhân ngày quốc khánh. Ngoài ra còn là tư duy ‘anh có thì tôi cũng muốn mua’.
Thêm nữa, còn là vấn đề tham nhũng. Nhiều nơi người ta có thể lợi dụng các hợp đồng vũ khí để trục lợi. Cuối cùng, nếu vũ khí sẵn có trên thị trường, và các nhà sản xuất mạnh mẽ thúc đẩy việc bán các sản phẩm với chất lượng cao nhất, thì dĩ nhiên việc mua bán sẽ dễ dàng hơn.
VOA: Vậy các quốc gia trong vùng này mua sắm khí tài gì, thưa ông?
Tiến sĩ Richard Bitzinger: Tôi muốn nhấn mạnh một điều, rằng thị trường vũ khí Đông Nam Á tương đối nhỏ, trung bình chi ra khoảng 2 tỷ đôla mỗi năm, nhưng đây là một thị trường đang tăng trưởng và mở ngỏ cho các nước sản xuất khác nhau.
Về không lực, phần đông các quốc gia lớn thuộc khu vực ASEAN đã chi tiền mua máy bay chiến đấu thế hệ mới, mà người ta gọi là thế hệ 4 hay 4+. Singapore mua chiến đấu cơ F15. Trong quá khứ, họ mua nhiều máy bay F16. Malaysia, Indonesia và Việt Nam thì mua máy bay chiến đấu Su-30 của Nga.
Về hải quân, Singapore, Malaysia và Indonesia đều mua thêm các tàu khu trục của Thụy Điển, Anh và Hà Lan. Việt Nam cũng ký hợp đồng mua tàu ngầm hạng kilo của Nga. Các lực lượng bộ binh của các nước này cũng tăng cường khí tài. 10 – 15 năm trước đây, ý tưởng về việc xe tăng chiến đấu loại lớn có mặt ở Đông Nam Á là điều không tưởng, nhưng giờ thì chuyện đó đã thay đổi.
VOA: Vậy, việc các quốc gia ASEAN tăng cường mua sắm vũ khí thời gian qua có thể được coi là một ‘cuộc chạy đua vũ trang’ không?
Tiến sĩ Richard Bitzinger: Những sự kiện xảy ra thời gian qua ở khu vực khiến người ta nghĩ rằng dường như đang có một cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn ở Đông Nam Á.
Trong khi nghiên cứu, bản thân tôi đã xem xét các học thuyết của các tác giả khác nhau về các thành tố cấu thành một cuộc chạy đua vũ trang, như vấn đề đối đầu giữa hai nước kiểu như Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây; việc chủ tâm tái cơ cấu quân đội dựa trên thái độ của đối thủ cũng như lập kế hoạch về quân sự dựa trực tiếp trên các tính toán về khả năng và mục tiêu của đối thủ hay tăng cường chi tiêu quốc phòng và gia tăng mua sắm vũ khí với tốc độ nhanh và số lượng lớn.
Xét về tất cả các tiêu chí trên, thì tôi cho rằng khó có thể coi khu vực Đông Nam Á đang chạy đua vũ trang. Điều tôi muốn nói là ít quốc gia ở Đông Nam Á đang thực sự tham gia cuộc chơi. Tại nhiều quốc gia ASEAN như Brunei, Miến Điện, Campuchia hay Lào, ngân quỹ dành cho quốc phòng dưới một tỷ đôla một năm và ít tăng thêm. Họ không mua nhiều vũ khí và mất nhiều thời gian để mua một thứ gì đó.
VOA: Yếu tố Trung Quốc có tác động tới công cuộc hiện đại hóa quốc phòng tại các quốc gia Đông Nam Á không, thưa ông?
Tiến sĩ Richard Bitzinger: Phải nói rằng yếu tố Trung Quốc làm phức tạp việc hoạch định vũ khí ở khu vực và cũng củng cố các giả thuyết về ‘cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực’. Xét về một khía cạnh nào đó, dĩ nhiên có thành tố ‘chống Trung Quốc’ trong việc mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á, nhất là khi xét về việc tăng cường hải quân của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, nhưng khó có thể nói rằng ASEAN đang chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng vậy, tôi không nghĩ là họ cho rằng mình vũ trang để chạy đua với các quốc gia Đông Nam Á.
Cám ơn Tiến sĩ Richard Bitzinger. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Thưa quý vị, hiện có quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Tại một cuộc hội thảo có chủ đề ‘Hiện đại hóa quân đội ở Đông Nam Á: Một cuộc chạy đua vũ trang?’ ở trung tâm Đông Tây tại Washington, các nhà quan sát cho rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á đã gia tăng chi tiêu quốc phòng thời gian qua và tăng cường ‘tậu’ các thiết bị quân sự tối tân. Như nhận định của tiến sĩ Richard Bitzinger từ Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho dù việc mua sắm khí tài đó không đáp ứng các tiêu chí về một cuộc chạy đua vũ trang, thì quá trình hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ có thể làm thay đổi đáng kể quy mô của các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai. Mời quý vị nghe các ý kiến của ông Bitzinger trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ kỳ này.