VOA: Hãng tin Pháp, AFP, dẫn lời ông nói rằng các tổ chức xã hội dân sự xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam so với một thập kỷ trước. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Giáo sư Ben Kerkvliet: Đúng vậy. Một loạt các tổ chức phát triển dựa trên quyền lợi của người dân về tôn giáo, thể chất cũng như tham gia giúp đỡ những người trong cộng đồng bị nhiễm HIV/AIDS, bị tàn tật hay các nhóm hoạt động nhằm thúc đẩy việc triển khai các chính sách về bảo vệ môi trường và sử dụng nước đã phát triển rộng rãi trên khắp Việt Nam.
Theo quan điểm của tôi, xã hội dân sự có ý nghĩa rất rộng lớn, và không chỉ gói gọn trong các hoạt động chính trị như kiểu ủng hộ các ứng viên ra tranh cử hay lobby các giới chức chính phủ. Các nhóm tôi vừa kể là những thành phần của xã hội dân sự.
Ngoài ra, còn có các nhóm vận động và tìm cách gây ảnh hưởng tới các đại biểu quốc hội, các bộ trưởng và những người phụ trách tư pháp trong các bộ khác nhau. Những nhóm này cũng là các thành phần của xã hội dân sự mà một thập kỷ trước rất hiếm thấy.
VOA: Ông cũng cho rằng, xin trích, ‘tôi thấy nhiều thay đổi chính trị ở Việt Nam trong 20 năm qua hơn là tôi nhận thấy ở Philippines’. Theo ông, cụ thể những thay đổi đó là gì?
Giáo sư Ben Kerkvliet: Tôi theo dõi tình hình ở cả hai nước, nhưng nghiên cứu các vấn đề ở Philippines lâu hơn so với Việt Nam. Những thay đổi về xã hội dân sự đang diễn ra ở Việt Nam là một trong số các thay đổi chính trị đó. Ngoài ra còn là sự thay đổi của các thể chế chính trị.
Tôi cho rằng Quốc hội Việt Nam hiện giờ đóng vai trò quan trọng hơn so với 10 hay 20 năm trước đây. Theo hiến pháp của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam là một cơ quan ưu việt, nhưng chưa từng thể hiện điều đó. Hiện giờ cơ quan này tiến gần hơn tới việc đáp ứng kỳ vọng được nêu ra trong hiến pháp so với trước đây.
Thêm nữa, theo tôi, hiện có một sự cân bằng hơn giữa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước, tức chính phủ. Trước đây, Đảng thống trị hoặc gần như thống trị quan điểm về những gì chính phủ có thể thực hiện.
Một điều nữa là chiến dịch chống tham nhũng, một vấn nạn của Việt Nam, đang ngày càng hiệu quả hơn, và đã có những biện pháp trừng phạt đối với các giới chức cấp cao như thứ trưởng cũng như các giới chức cấp tỉnh.
Ngược lại, tại Philippines, nước có thể chế chính trị dân chủ, thì kể từ khi chính phủ Marcos sụp đổ vào giữa những năm 80, quốc gia này có nhiều hình thức dân chủ, nhưng trên thực tế, lại không mấy dân chủ, nhất là trong hơn 10 năm qua. Tình trạng tham nhũng tồi tệ hơn so với hồi giữa những năm 80 và đầu những năm 90.
Một vấn đề khác là tình trạng bạo lực chính trị tiếp diễn ở Philippines mà thủ phạm không bị trừng trị. Rất nhiều các nhà hoạt động, hay nhà báo đã bị sát hại, nhất là ở cấp tỉnh. Theo tôi có hàng trăm nạn nhân kể từ cuối những năm 90. Những vụ giết hại và đe dọa khác nhau đã khiến người ta phải cân nhắc khi công khai nói tới một vấn đề gì đó.
VOA: Ông đề cập tới thay đổi chính trị tại Việt Nam, nhưng thưa ông, gần đây, một ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Ông nghĩ sao về phát biểu này?
Giáo sư Ben Kerkvliet: Tôi không ngạc nhiên khi thấy các giới chức Đảng không công khai ủng hộ đa nguyên, đa đảng. Giai đoạn đó có xảy ra trong tương lai hay không, tôi không muốn phán đoán. Nhưng điều tôi nghe được là, có những người trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có lẽ không phải là các vị trí hàng đầu, cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải suy xét nghiêm túc việc tạo điều kiện cho các đảng phải chính trị thay thế hay đối lập.
Môi trường chính trị ở Singapore là một mô hình mà một số giới chức trong Đảng Cộng sản cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam nên xem xét để cho phép các hoạt động đối lập, nhưng vẫn giữ vững quyền kiểm soát đối với phe này. Một số khác thì đề cập tới việc thử nghiệm đảng phái đối lập tại một số vùng hay tại một số cuộc bầu cử nhất định.
Những ý kiến như vậy vẫn tiếp tục, mà theo tôi, một phần là bởi áp lực từ ngay chính xã hội Việt Nam, nhất là từ các nhóm bất đồng chính kiến vốn ủng hộ một hệ thống chính trị cởi mở hơn. Tôi cho rằng trong khi những người bất đồng bị trấn áp, thì thông điệp mà họ nêu lên cũng đã được chú ý tới và thảo luận giữa các giới chức, cho dù không công khai.
VOA: Ông từng cùng biên tập một cuốn sách có tựa đề: ‘Cải tổ chủ nghĩa xã hội châu Á: So sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc’. Theo đánh giá của ông, tiến trình cải tổ nào nhanh hơn?
Giáo sư Ben Kerkvliet: Xét về mặt kinh tế, Trung Quốc rõ ràng đi trước Việt Nam nếu xét về tỷ lệ tăng trưởng, sự đa dạng thị trường cũng như nguồn dự trữ ngoại hối. Nhưng xét về mức độ cởi mở chính trị, tôi nghĩ Việt Nam vượt lên trước.
Trong cuốn sách đó có một chương nói về nói về vai trò của công đoàn nhà nước ở Việt Nam và Trung Quốc. Các cuộc nghiên cứu cho thấy công nhân và liên đoàn lao động ở Việt Nam có quyền hành và tác động lớn hơn đối với ban lãnh đạo nhà máy cũng như giới chức chính quyền hơn là ở Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam khoan dung hơn đối với các cuộc đình công cũng như các hoạt động đẩy mạnh quyền của công nhân so với chính quyền Trung Quốc.
Cũng có một số ý kiến, mà tôi không chắc là có đúng không, đó là cơ quan lập pháp của Việt Nam là Quốc hội đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống chính trị Việt Nam so với Trung Quốc. Trong lĩnh vực học thuật, Trung Quốc cởi mở hơn. Các nhà nghiên cứu có thể viết cũng như đưa ra các ý kiến trái chiều với chính phủ một cách công khai hơn về những vấn đề như chính sách đối ngoại cũng như đối nội.
VOA: Ông ‘quan tâm nghiên cứu tới các liện hệ và trao đổi giữa dân thường và giới chức chính quyền tại một số quốc gia Đông Nam Á’. Ông có phát hiện ra điều gì thú vị trong khi nghiên cứu về Việt Nam không?
Giáo sư Ben Kerkvliet: Điều thú vị nhất là khi tôi nghiên cứu về sự sụp đổ và biến mất của hợp tác xã ở Việt Nam. Tôi cho rằng một trong những lý cho chủ yếu dẫn tới sự sụp đổ này là bản thân các nông dân đôi khi đã bị đặt ra ngoài lề trong toàn bộ tiến trình. Các cá nhân cũng như các nhóm nhỏ tự đảm nhận các hoạt động canh tác riêng, làm suy yếu hình thức canh tác theo kiểu hợp tác xã.
Họ làm điều đó không phải bằng hình thức phản đối, làm sai, mà bằng chính hoạt động hàng ngày của họ. Bất chấp nỗ lực sửa sai của chính quyền địa phương cũng như giới chức trên toàn quốc rốt cuộc đã chịu thua trước sức ép không chính thức, không mang tính tổ chức và công khai về việc cải tổ hình thức canh tác hợp tác xã sang hình thức gia đình. Thông qua quá trình nghiên cứu tiến trình đó, một trong những điều tôi hiểu ra rằng sự trao đổi và thảo luận hàng ngày giữa các dân thường và các giới chức là điều hết sức quan trọng nhằm hiểu rõ hơn về động lực và hoạt động của đất nước.
Cám ơn ông Ben Kerkvliet. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Thưa quý vị, một nhận định mới đây cho rằng ‘có nhiều thay đổi chính trị ở Việt Nam trong 20 năm qua hơn là ở Philippines’ đã gây chú ý trong giới học giả Việt Nam. Trả lời VOA Việt Ngữ, người đưa ra đánh giá trên, ông Ben Kerkvliet, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, còn cho rằng, xét về ‘mức độ cởi mở chính trị’, ông nghĩ Việt Nam ‘vượt lên trước Trung Quốc’. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1