Phát ngôn viên Geoff Morrell của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết giới hữu trách ở Washington đang xem xét tới những phương thức nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Á châu Thái bình dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Ông Morrell nói rằng mới đây Hoa Kỳ đã thảo luận với Australia về việc để cho quân đội Mỹ được sử dụng một số cơ sở ở nước này. Ông đề cập tới việc Hoa Kỳ hiện có một mối quan hệ tốt đẹp với Singapore và có quyền tiếp cận các cơ sở ở quốc gia thành phố này; và nói thêm rằng kế hoạch tái bố trí lực lượng tới đảo Guam của Mỹ ở Thái bình dương cũng giúp cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á được mạnh mẽ hơn.
Ông Morrell phát biểu như vậy tại cuộc họp báo ở Ngũ giác đài hôm thứ tư (26 tháng 1, 2011) vừa qua, giữa lúc sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc đang làm cho nhiều nước trong vùng Đông Á cảm thấy lo ngại về triển vọng an ninh của khu vực. Các nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn của Trung Quốc ở Đông Nam Á đặc biệt lo ngại về điều được cho là thái độ bá quyền của Bắc Kinh trong thời gian gần đây liên quan tới vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Trong lúc các nước ASEAN đang ra sức tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vụ tranh chấp này với Trung Quốc, một số nước hội viên đã tìm cách tăng cường khả năng hải quân trong vài năm gần đây. Tin tức báo chí cho hay Việt Nam đã đặt mua 6 tiềm thủy đĩnh của Nga, và Malaysia cũng mua các tàu ngầm mới của Pháp trong lúc Indonesia đã đề ra kế hoạch tăng gấp đôi số tàu ngầm của mình.
Giáo sư Simon Tay là người đứng đầu Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Singapore. Ông cho biết các nước Á châu có những cảm nhận phức tạp trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Ông nói:
"Chúng tôi nhìn Trung Quốc với những mối hy vọng về mặt kinh tế nhưng chúng tôi lo ngại về vấn đề chính trị và an ninh. Chúng tôi trông đợi Hoa Kỳ tiếp tục mang lại ổn định và hòa bình, vốn là nền tảng của sự tăng trưởng và thịnh vượng của chúng tôi."
Trong khi đó ở vùng Đông Bắc Á, sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên và vụ xích mích ngoại giao nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản hồi tháng 9 liên quan tới một dãy đảo nhỏ ở Hoàng Hải đã khiến Nhật Bản điều chỉnh sách lược quốc phòng để ứng phó với Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã tán dương việc Nhật Bản quyết định di chuyển những nguồn lực quân sự từ miền bắc gần Nga tới những hòn đảo ở vùng tây nam gần Trung Quốc. Ông Gates cũng cho rằng nếu không có liên minh phòng thủ Mỹ-Nhật thì Trung Quốc có lẽ đã có những hành động hung hãn hơn với các nước láng giềng.
Ông Tsuneo Akaha là người giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey ở California. Ông nói rằng sách lược quốc phòng mới của Nhật phản ánh sự quan tâm đối với Trung Quốc:
"Lý do quan trọng nhất là sự khuyếch trương của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong khả năng hải quân viễn dương, và những diễn tiến mới đây liên quan tới loại chiến đấu cơ tàng hình mới, cùng với việc Trung Quốc đã bố trí và dự định chế tạo thêm tàu ngầm để họ có thể phóng chiếu sức mạnh của mình tới những nơi xa hơn."
Ông Akaha cũng cho biết chính phủ ở Tokyo ủng hộ việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia vùng Đông Nam Á. Ông nói thêm như sau:
"Điều này có thể nói là đã mang lại cho Hoa Kỳ một sự khích lệ về chính trị và một cơ sở cho tư duy chiến lược để giao tiếp chặt chẽ hơn với các nước Đông Nam Á. Diễn tiến này cũng giúp củng cố sự tin tưởng của Nhật Bản bởi vì chừng nào mà Hoa Kỳ còn có mặt ở đó thì an toàn của hoạt động hàng hải quốc tế còn được bảo đảm."
Ông Mã Chấn Cương, cựu Đại sứ Trung Quốc ở London, là Giám đốc Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc. Ông nói rằng Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột với Hoa Kỳ, nhưng rủi ro sẽ gia tăng nếu các nước khác không ngớt nhấn mạnh tới điều gọi là “mối đe dọa của Trung Quốc.”
Ông nói: "Đương nhiên là nếu một số người Mỹ nhất định không chịu từ bỏ lối suy nghĩ của thời Chiến tranh Lạnh, nhất định cho rằng Trung Quốc là địch thủ hoặc đối thủ tiềm năng của Hoa Kỳ, và thậm chí còn thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì quan hệ giữa hai nước có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đó là điều mà Trung Quốc không muốn xảy ra. Vì vậy tôi nghĩ rằng việc Hoa Kỳ và Trung Quốc phát triển hợp tác về an ninh là phù hợp với lợi ích của hai nước và tôi không nghĩ rằng việc hai nước đối đầu với nhau hay giao chiến với nhau là một việc tất nhiên."
Hầu hết các nhà phân tích tình hình Á châu cho rằng trong tình hình hiện nay Hoa Kỳ cần tiếp tục tiến hành những cuộc đối thoại và giao lưu quân sự với Trung Quốc để giảm thiểu mối rủi ro xảy ra những vụ hiểu lầm và căng thẳng có thễ dẫn tới chỗ đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đã cắt đứt cuộc đối thoại quân sự với Hoa Kỳ hồi năm ngoái sau khi Washington loan báo kế hoạch bán cho Đài Loan một số vũ khí trị giá 6,4 tỉ đô la.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã đến thăm Trung Quốc hồi thượng tuần tháng này trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm xây dựng lại mối liên hệ giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên quân đội Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa chấp nhận đề nghị của ông Gates là thiết lập một cơ chế để thực hiện những cuộc đối thoại thường xuyên giữa đôi bên về các vấn đề an ninh.
Bộ quốc phòng Mỹ mới đây cho biết Hoa Kỳ đang xem xét tới việc tăng cường thêm nữa sự hiện diện quân sự trong vùng Á châu Thái bình dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Phát ngôn viên Geoff Morrell cho biết như thế hôm thứ tư tại cuộc họp báo ở Ngũ giác đài trong lúc sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang làm cho nhiều nước Đông Á cảm thấy lo ngại về triển vọng an ninh trong khu vực. Mời quí vị xem Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1