Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hy vọng đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhưng không kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng một năm, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết hôm 7/2.
Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc và 10 nước ASEAN thông qua khung đàm phán về bộ quy tắc áp dụng cho tuyến thủy lộ đông đúc tàu bè qua lại đang trong vòng tranh chấp, một khu vực phần lớn do Trung Quốc kiểm soát, nhưng một số quốc gia ASEAN cũng tuyên bố có chủ quyền. Hai bên, ASEAN và Trung Quốc, đã bắt đầu tiến hành đàm phán.
“Chúng tôi hy vọng cuộc đàm phán sẽ được đẩy nhanh, nhưng đây là một vấn đề rất phức tạp”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói với các nhà báo sau cuộc họp quy tụ các lãnh đạo quốc phòng của ASEAN.
“Đây là tranh chấp đã kéo dài cả thế kỷ. Hy vọng có được bộ quy tắc trong vòng một năm là không thực tế”, ông Hen nói.
Cả ASEAN và Trung Quốc đều ca ngợi kết quả đàm phán về thỏa thuận khung là một dấu hiệu của tiến bộ.
Tuy nhiên, việc không đề ra mục tiêu ban đầu về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý đã gây hoài nghi về hiệu quả của thỏa thuận.
Vận động Trung Quốc chấp thuận một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có hiệu lực thi hành trên tuyến thủy lộ này là mục tiêu lâu nay của các nước thành viên ASEAN. Một số nước trong nhiều năm đã chống đối việc Trung Quốc “làm ngơ” quyền chủ quyền của họ, ngăn chặn ngư dân nước họ, và cản trở các nỗ lực thăm dò tài nguyên năng lượng của họ.
Ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Bắc Kinh đang làm việc với các nước ASEAN để có một bộ quy tắc ứng xử phù hợp với nguyện vọng của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng triển khai quân đội ở Biển Đông.
Không quân Trung Quốc hôm 7/2 tuyên bố các máy bay tiêm kích Su-35 của họ gần đây đã tham gia một cuộc tuần tra chiến đấu trên Biển Đông. Tuyên bố không đề cập đến thời điểm hay địa điểm của cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan, hôm 6/2 cho biết một số đồng nhiệm ASEAN của ông đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, kể cả các hoạt động bồi đắp đất.
Malaysia, Brunei, Việt Nam, Đài Loan và Philippines đều tuyên bố chủ quyền trên một phần, hay toàn bộ Biển Đông và vô số các bãi đá ngầm, bãi đá và đảo.
Singapore tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2018 và đã tổ chức cuộc họp bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng trong tuần này.