Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á hôm 6/2 bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và lưu ý rằng việc bồi đắp đất vẫn tiếp tục diễn ra thậm chí sau khi đã đàm phán với hiệp hội 10 quốc gia Ðông Nam Á, và Bắc Kinh đã nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử.
Theo ghi nhận của Reuters, các ngoại trưởng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang nhóm họp tại Singapore, đã hoan nghênh việc khởi động các cuộc đàm phán trong, đồng hời kêu gọi kiềm chế các hoạt động và tránh bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói: “Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận quan ngại của các bộ trưởng về việc bồi đắp đất và các hoạt động trong khu vực. Điều này làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực.”
Singapore là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2018. Trong tuần này, nước chủ tịch ASEAN chủ trì hội nghị bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của khối.
Tháng 8/2017, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một cơ chế đàm phán cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.
Cả 2 bên đều ca ngợi bước đi này là một dấu hiệu tiến bộ, với việc Trung Quốc coi các cuộc đàm phán là một cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng Bắc Kinh đang câu giờ để củng cố sức mạnh trên biển.
Malaysia, Đài Loan, Brunei, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, một trong những hải lộ bận rộn nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết hải lộ này và đã không ngừng xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở đây.
Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan nói giải pháp cho cho vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không dễ dàng thậm chí khi đang có các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên.
“Nó sẽ là một cuộc đàm phán hết sức phức tạp,” Reuters trích lời bộ trưởng Singapore nói tại một cuộc họp báo. “Việc tuyên bố chủ quyền sẽ không được giải quyết chỉ bởi vì chúng ta có một COC (Bộ quy tắc ứng xử).”