ASEAN có công khuyến khích cải cách tại Miến Ðiện

Các bộ trưởng khối ASEAN chụp hình lưu niệm tại Phnom Penh, Cambodia, ngày 10/7/2012

Vào lúc bộ trưởng cấp cao các nước ở đông nam châu Á họp tại một hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia trong tuần này, một số quan sát viên đã nhìn trước các diễn biến trong năm 2014. Ðó là lúc Miến Ðiện, còn gọi là Myanmar, sẽ lên giữ chức chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, tức ASEAN. Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố tổ chức khu vực này đáng được tuyên dương vì đã khích lệ các cải cách ở Miến Ðiện. Và ông bày tỏ sự bất bình vì các biện pháp chế tài quốc tế đã không được bãi bỏ toàn bộ. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Irwin Loy ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Khi các nhà lãnh đạo ASEAN họp tại Phnom Penh hồi đầu tháng 4, các thắc mắc xung quanh Miến Ðiện tập trung vào vấn đề khi nào, chứ không phải là liệu các biện pháp chế tài có được bãi bỏ hay không. Miến Ðiện vừa tổ chức hai cuộc bầu cử phụ quan trọng, trong đó nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi đã đắc cử. Cảm nghĩ từ phía các giới chức ASEAN là Miến Ðiện phải được tưởng thưởng.

Cộng đồng quốc tế đã đáp lại. Hoa Kỳ, Australia, Liên hiệp châu Âu đều loan báo nới lỏng các biện pháp chế tài. Nhưng, đối với ASEAN, mục tiêu là toàn bộ các biện pháp đó được bãi bỏ. Mặc dầu đã không có mấy thảo luận công khai về Miến Ðiện trong các cuộc họp của các vị bộ trưởng trong tuần này, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng các nhà lãnh đạo khu vực vẫn chú ý đến vấn đề này.

Ông Pitsuwan nói: “Tôi nghĩ Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu đang theo hai sách lược tách biệt. EU thì ngưng chế tài, có nghĩa là thôi áp dụng mọi biện pháp, nhưng vẫn có thể áp đặt trở lại. Hoa Kỳ thì nới lỏng từng bước. Như vậy là có 2 sách luợc. Chúng tôi rất tán đồng điều đó. Nhưng chúng tôi hy vọng tiến độ sẽ nhanh chóng và diễn tiến bên trong Myanmar sẽ bảo đảm việc cứu xét lại một cách nghiêm túc các biện pháp thay thế cho chế tài.”

Ông Surin bác bỏ những gợi ý cho rằng sự miễn cưỡng của cộng đồng quốc tế trong việc bãi bỏ toàn diện chế tài, đang gây xung đột với ASEAN.

Ông Pitsuwan nói: “Tôi gọi đó là một cảm giác bất bình, vì mọi việc không diễn tiến nhanh hơn. Nhưng như tôi nói, chung cuộc, chúng ta phải chấp nhận như thế. Quyết định là quyền tối thượng của các đối tác đối thoại, các nuớc lớn và các tổ chức. Nhưng điều chúng ta có thể làm là chúng ta có thể chứng tỏ với họ rằng về phía chúng ta, mọi việc đang đi theo đúng hướng. Chúng ta tin tưởng rằng sẽ không có việc đi ngược trở lại. Chính phủ Myanmar, dân chúng Myanmar, xứng đáng được hưởng một mức độ thoải mái nào đó. Tiến trình phải thúc nhanh.”

Tuy nhiên, một số quan sát viên đưa ra một đánh giá thẳng thắn hơn.

Sau đây là nhận định của ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về các vấn đề ASEAN của trường Ðại học New South Wales.

Ông Thayer nói: “ASEAN muốn các biện pháp chế tài Miến Ðiện phải được bãi bỏ, bởi vì nó phân biệt đối xử một trong các thành viên của tổ chức. Họ coi các cải cách là đang diễn tiến tốt đẹp. Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và Australia, Na Uy, là những nước đã bãi bỏ hay ngưng áp dụng các biện pháp chế tài nhưng chưa chấm dứt hẳn, vẫn muốn giữ nguyên các biện pháp để nếu xảy ra việc đi ngược lại chiều hướng cải cách, thì có thể áp đặt trở lại.”

Ông Thayer nói một vấn đề là việc chấm dứt chế tài phức tạp hơn là việc thoạt đầu áp đặt.

Ông Thayer cho biết: “Chế tài rất ư phức tạp bởi vì phải có được sự nhất trí trong EU, và tại Hoa Kỳ, thì có những biện pháp chế tài do Quốc hội áp đặt và những lệnh hành pháp của Tổng thống. Do đó ở cả hai khu vực đó là một mê lộ rất lớn. Ðình chỉ dễ dàng hơn so với việc đạt được sự nhất trí hoàn toàn.”

Tuy nhiên, vào lúc này, ông Surin nói ông đang hướng tới năm 2014, là lúc Miến Ðiện lên giữ chức chủ tịch ASEAN.

Ông Pitsuwan nói: “Ðó là một hành động khích lệ củ chúng tôi, rằng nếu quý vị muốn làm chủ tịch ASEAN, là chức vụ vừa mang trách nhiệm vừa là một uy tín và danh dự, thì quý vị phải làm nhiều thứ… và theo tôi ASEAN đã là một công cụ. Nay chúng ta đang giúp họ. Chúng ta đang mở ra các cơ hội cho họ. Họ đến và quan sát những cuộc họp như thế này, những cuộc họp như ở Indonesia. Học tập để bước vào làm nhiệm vụ năm 2014.”

Mặc dầu ASEAN đặt rất nhiều hy vọng vào việc bảo đảm Miến Ðiện tiếp thu chức chủ tịch ASEAN một cách càng êm xuôi càng tốt, chính phủ Miến Ðiện cũng được hưởng lợi ích trong nước khi lên đảm nhận chức vụ này. Các cuộc tổng tuyển cử được hoạch định ngay 1 năm sau, tức là năm 2015.

Ông Pavin Chachavalpongpun là một chuyên gia phân tích chính trị tại trường đại học Kyoto. Ông nói nếu Miến Ðiện nghiêm túc về việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng kỳ này, thì việc làm chủ tịch ASEAN có thể góp phần rất lớn để cải thiện hình ảnh của chính phủ bên trong biên giới của chính nước này.

Ông Pavin nói: “Tôi nghĩ năm 2014 là một năm rất quan trọng cho cả Miến Ðiện lẫn ASEAN. 2014 là một năm ngay trước cuộc tổng tuyển cử ở Miến Ðiện. Sự kiện giới lãnh đạo Miến Ðiện mong muốn chức chủ tịch ASEAN đến mức đó là bởi vì sự kiện này có thể hợp thức hóa chế độ để có thể thắng cử vào năm 2015. Dân chúng có thể không nghĩ điều đó là quan trọng nhưng nó sẽ rất quan trọng về mặt chính sự Miến Ðiện. Ðể có thể mở cửa đất nước, đưa nhiều nhà đầu tư ASEAN muốn vào Miên Ðiện kể cả các đối tác đối thoại ASEAN, đây sẽ là thời điểm để Miến Ðiện biểu diễn. Do đó nó sẽ rất ư là quan trọng đối với Miến Ðiện.”

Theo ông Pavin, cũng vì những lý do đó, ASEAN cũng sẽ nóng lòng muốn bảo đảm việc Miến Ðiện tiếp thu chức chủ tịch một cách êm thắm. Và điều đó có thể có nghĩa là các ưu tiên cho những vấn đề khác, như nhân quyền, có thể bị đặt qua một bên. http://www.youtube.com/embed/gr9uSdhKf6Y