Đường dẫn truy cập

ASEAN cần Bộ Quy tắc Ứng xử để giải quyết tranh chấp Biển Đông


Dân Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 8/7/2012
Dân Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 8/7/2012
Tranh chấp Biển Đông là trọng tâm của các cuộc họp tuần này của khối ASEAN đang được tổ chức tại Campuchia giữa lúc các cuộc tuần hành chống Trung Quốc ở Việt Nam tiếp tục diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn trong hai cuối tuần liên tiếp vào ngày 1/7 và 8/7.

Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là mục tiêu hàng đầu của 10 nước ASEAN. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Campuchia ngày 9/7 tại Hội nghị của Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 45 diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, nước đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2012.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Thủ tướng Hun Sen thúc giục Ngoại trưởng các nước ASEAN đặt trọng tâm vào việc tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để giải quyết tranh chấp chủ quyền chồng chéo giữa các nước trong khu vực.

Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh ASEAN nên chứng tỏ có khả năng làm động lực chính thúc đẩy hợp tác và đối thoại trong các vấn đề an ninh-chính trị khu vực. Nước Chủ tịch ASEAN khẳng định duy trì hòa bình, an ninh là hết sức cần thiết cho sự phát triển thịnh vượng của khối.

Căng thẳng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề nóng trong nghị trình các cuộc họp tại Phnom Penh đặc biệt là vào cuối tuần này khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc có mặt tại đây cùng tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN bàn về hợp tác an ninh ở Châu Á.

Phát biểu với báo giới ngày 8/7 tại Tokyo nhân chuyến công du Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước nên đạt tiến bộ về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.

Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng tôi cho rằng các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nên hợp tác để cùng giải quyết các tranh chấp tránh sự chèn ép, bắt nạt, đe dọa, hay xung đột. Chúng tôi muốn các bên có tuyên bố chủ quyền dù trên biển hay trên bộ phải tuân thủ luật quốc tế, bao gồm cả những gì đã được phản ánh trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.”

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có các hành động khiêu khích Philippines và Việt Nam với vụ đụng độ với tàu của Manila tại bãi cạn Scarborough, thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính cả hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa, và ngang nhiên mời thầu quốc tế thăm dò 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đáp lại, Hà Nội đã để cho các cuộc tuần hành chống Trung Quốc tái bùng phát trong hai cuối tuần liên tiếp vào ngày 1/7 và 8/7 tại Sài Gòn và Hà Nội sau khi đã mạnh tay trấn dẹp các cuộc biểu tình tương tự hồi mùa hè năm ngoái.

Ông Lã Dũng tham gia cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ngày 8/7 ở Hà Nội cho VOA Việt ngữ biết:

“Hôm qua (8/7), cuộc tuần hành diễn ra tương đối bình thường, không có vấn đề gì, từ lúc 8:45 phút cho tới hơn 11 giờ trưa. Ban đầu có khoảng 200 người tham gia, sau đó lên tới gần 1 ngàn người. Lực lượng an ninh hôm qua thật ra không phải là họ thân thiện lắm đâu. Trước khi cuộc biểu tình nổ ra, công an đến từng nhà những người từng đi biểu tình chống Trung Quốc để yêu cầu họ không được đi biểu tình. Trong cuộc biểu tình có rất đông lực lượng an ninh. Có đoạn họ ngăn chặn không cho bà con đi ra phía Hàng Khay và Tràng Thi, nhưng bà con quyết tâm đi. Họ không cản được. Xô xát và bắt bớ thì không có. Ban đầu, tình hình khá căng thẳng, nhưng sau khi mọi người đông lên thì thái độ của họ (lực lượng an ninh) cũng đỡ hẳn. Có cụ Lê Hiền Đức và một số trí thức dẫn đầu đoàn biểu tình thì an ninh họ cũng không dám làm gì nữa.”

Philippines, quốc gia tuyên bố sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra các tòa án quốc tế giải quyết, là nước đi đầu kêu gọi ASEAN đoàn kết để thuyết phục Trung Quốc phải chấp nhận Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn chủ trương theo đường lối giải quyết song phương với từng nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Hiện ASEAN đang tìm một giải pháp hiệu quả cho tranh chấp Biển Đông nhưng cũng cố tránh làm bực mình Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới có nhiều ảnh hưởng trong khu vực và là bạn hàng chủ yếu của nhiều nước Đông Nam Á.

Trước nỗ lực của các nước trong khu vực, Trung Quốc ngày 9/7 tuyên bố sẵn sàng thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông với các nước ASEAN. Hãng thông tấn AFP dẫn lời phát ngôn nhân Lưu Vị Dân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khi thời điểm chín muồi, Bắc Kinh muốn thảo luận với các nước ASEAN về việc thành lập Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông. Tuy nhiên, ông Lưu nhấn mạnh rằng Bộ Quy tắc này không phải nhắm để giải quyết tranh chấp mà chỉ để xây dựng lòng tin lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ hơn.

Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002. Qua đó, các bên cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải tại khu vực, giải quyết tranh chấp ôn hòa, tôn trọng các thỏa thuận quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.


VOA Express

XS
SM
MD
LG