Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phản ứng trước các cuộc biểu tình ở Việt Nam


Người biểu tình cầm biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành qua đường phố Hà Nội, ngày 1/7/2012
Người biểu tình cầm biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành qua đường phố Hà Nội, ngày 1/7/2012
Một ngày sau khi diễn ra các cuộc tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam hãy hành động có lợi cho mối quan hệ song phương, nền hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Vị Dân, tại cuộc họp báo ngày 2/7 nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phản đối hành động của các nước gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông.

Vẫn theo lời ông Lưu, Trung Quốc luôn coi trọng tình hữu nghị và sự hợp tác với Việt Nam và Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết thỏa đáng các tranh chấp theo đúng những gì lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã nhất trí.

Hôm 1/7, hàng trăm người Việt Nam tại hai thành phố lớn ở Sài Gòn và Hà Nội đã xuống đường để bày tỏ thái độ phản đối các hành động mới đây của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và ủng hộ Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua.

Dù không bị trấn áp mạnh tay như các cuộc tuần hành tương tự hồi năm ngoái, nhưng nhiều người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc trước đây đã bị lực lượng an ninh sách nhiễu và ngăn cản không cho họ xuống đường lần này. Cô Trịnh Kim Tiến, một gương mặt được nhiều người biết đến từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, là một người trong số đó. Tiến cho biết:

“Hôm qua (1/7) em ở trong Sài Gòn. Em ra nhà thờ Đức Bà để tham gia biểu tình, em bị giữ trên đó và họ buộc em phải quay về. Và em tự biểu tình tại nhà luôn. Một số người khác sau khi tham gia biểu tình bị họ bắt nguội. Có một bạn tên Châu Văn Thi chỉ vì mang máy hình trên đường mà bị họ bắt giữ từ sáng hôm qua, bị giam hơn 24 tiếng. Tới trưa hôm nay (2/7) họ mới thả bạn ấy ra.”

Trong số những người bị bắt về đồn công an trong cuộc tuần hành ngày 1/7 tại Sài Gòn có blogger Huỳnh Thục Vy. Cô thuật lại:

“Ngày 1/7 tôi và năm anh chị em trong nhà xuống đường theo lời kêu gọi của mọi người. Lúc đầu mình tời nhà thờ Đức Bà, rồi qua công viên 30/4. Sau đó, nhóm tăng lên mấy chục người. An ninh đứng đầy công viên, bất thần họ ập tới đạp tất cả anh chị em mình vào xe 16 chỗ ngồi. Chúng mình cố vươn ra ngoài hét to lên rằng “Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam”. Sau đó, người ta bắt mình và chồng mình về công an phường Cô Giang. Em trai mình bị họ bóp cổ, bẻ tay, và bị đánh rất nhiều. Chồng mình cũng bị đánh rất nhiều. Họ bắt về làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ. Cuối cùng họ ra quyết định thông báo miệng rằng chúng mình đã gây rối trật tự công cộng và xử phạt riêng mình 1,5 triệu. Có rất nhiều người biểu tình khác cũng bị bắt. Nhiều người khác đã bị ngăn cản ở nhà, những người đã từng đi biểu tình yêu nước trước đây như Bùi Hằng cũng đã bị giữ ở nhà, không thể đi biểu tình được.”

Những người biểu tình nói đây là cuộc tuần hành tự phát, không có người lãnh đạo và cũng không bị ai xúi giục, tất cả đều xuất phát từ sự tự nguyện và tấm lòng yêu nước, bức xúc trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch lên án việc chính quyền Việt Nam cản trở công dân tham gia các cuộc tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc là vi phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Hành động của an ninh Việt Nam chống lại các cuộc tuần hành bài Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ chính quyền Việt Nam luôn sách nhiễu bất kỳ hình thức phản kháng ôn hòa nào của công chúng bất kể nguyên nhân hay vấn đề nào. Thật đáng mỉa mai là ngay cả hành động bày tỏ sự ủng hộ chính sách của nhà nước đối với Trung Quốc cũng bị công an gây áp lực, trong đó có việc hăm dọa và cấm cản các nhà hoạt động, và thậm chí là bắt giữ tùy tiện như trường hợp của bà Bùi Minh Hằng hay blogger Huỳnh Thục Vy, hầu ngăn không cho họ đi tuần hành chống Trung Quốc. Những hành vi này cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền căn bản của công dân.”

Lời kêu gọi tuần hành phản đối Trung Quốc trước tòa đại sứ và lãnh sự quán của Bắc Kinh ở Hà Nội và Sài Gòn ngày 1/7 được lan truyền trên các trang mạng xã hội sau khi Trung Quốc loan báo thành lập thành phố Tam Sa quản lý cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và cho mời thầu thăm dò 9 lô dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Hơn chục cuộc tuần hành chống Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái ở Sài Gòn và Hà Nội đã bị an ninh trấn áp mạnh tay, khiến công luận bất bình.



VOA Express

XS
SM
MD
LG