ASEAN kêu gọi bãi bỏ trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện

Các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc khối ASEAN đến dự cuộc họp ở Indonesia

Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khối ASEAN nói rằng giờ đây nên bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện bởi vì chính phủ quân nhân nước này đã tổ chức các cuộc bầu cử và phóng thích nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng bãi bỏ trừng phạt bây giờ có thể hãy còn quá sớm.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khối ASEAN nhóm họp tại Indonesia, đã yêu cầu Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada, và Australia xem xét lại các biện pháp chế tài đối với Miến Điện để thúc đẩy chính phủ quân nhân thi hành các cải tổ kinh tế và chính trị.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, do Thái Lan và Indonesia dẫn đầu, cũng kêu gọi chính phủ quân nhân Miến Điện tiến hành những nỗ lực hòa giải với nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ, bà Aung San Suu Kyi, và phe đối lập chính trị ở Miến Điện.

Các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ gồm có một lệnh cấm nhập khẩu cùng với những hạn chế trong các giao dịch tài chánh và những hoạt động đầu tư của nước ngoài tại Miến Điện. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã áp dụng một loạt các biện pháp chế tài từ nhiều năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước vừa kể nói rằng các cuộc bầu cử và việc bãi bỏ lệnh giam giữ tại nhà đối với bà Aung San Suu Kyi cũng nên được nhắc đến trong khi duyệt lại các biện pháp chế tài đối với Miến Điện.

Người điều hành quỹ đầu tư Leopart Capital trong vùng, doanh nhân Hoa Kỳ Douglas Clayton, nói rằng việc bãi bỏ các biện pháp chế tài sẽ mở cửa lại cho đầu tư của nước ngoài vào quốc gia này:

“Chúng tôi muốn thấy Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp chế tài của họ, đó sẽ là một hành động gây xúc tác, tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư nước ngoài, bởi vì vào lúc này các công ty đa quốc không thể thực hiện việc đó. Họ sẽ gặp khó khăn nếu tìm cách làm ăn buôn bán ở Miến Điện."

Cuộc tranh luận về các biện pháp chế tài đối với Miến Điện đã gây chia rẽ. Một số nhà phân tích nói rằng các biện pháp chế tài đã không thành công buộc giới quân nhân ngưng bám chặt lấy quyền lực và đã gây ra tình trạng thất nghiệp trầm trọng.

Trong khi đó, Trung Quốc, Thái Lan, và Ấn Độ vẫn là các nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng tại nước này.

Một nữ phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền Alternative ASEAN Network, bà Debbie Stothardt, nói rằng hãy còn quá sớm để bãi bỏ các biện pháp chế tài, nhất là khi chính phủ quân nhân nước này vẫn còn giam giữ hơn hai ngàn tù nhân chính trị. Bà nói:

"Thật là ngây thơ và phi lý không tưởng tượng được khi thấy khối ASEAN kêu gọi cộng đồng quốc tế bãi bỏ các biện pháp chế tài đối với Miến Điện. Lẽ ra thay vào đó ASEAN nên kêu gọi chính phủ quân nhân và cái gọi là quốc hội mới của Miến Điện hợp tác với quốc tế trong cuộc điều tra của về tội ác chống nhân loại và những tội ác nghiêm trọng khác."

Các tổ chức nhân quyền nêu lên những hoài nghi liên quan tới tính cách chính đáng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 sau khi có những cáo giác về gian lận bầu cử, và những mối quan tâm liên quan tới việc hạn chế không cho một số đảng chính trị đối lập tham gia ứng cử.

Các đảng chính trị thân cận với chính phủ quan nhân chiếm được gần 80% số phiếu cùng các ghế tại quốc hội, với một định số là 25% số ghế dành riêng cho những người trong quân đội.

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN sẽ gởi một phái đoàn tới Miến Điện vào cuối tháng Giêng này để gặp các đại biểu quốc hội mới và nêu lên vấn đề quy chế của Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.