Các cơ quan truyền thông nhà nước hôm nay loan tin Quốc hội Miến Điện sẽ nhóm phiên đầu tiên vào ngày 31 tháng này. Đây sẽ là lần đầu tiên một cơ quan lập pháp họp tại nước này kể từ năm 1988.
Đảng Đoàn Kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn đã thắng khoảng 80% số ghế tại quốc hội. Hiến pháp năm 2008 dành 25 phần trăm số ghế đương nhiên cho quân đội.
Quân đội nói rằng cuộc bầu cử nằm trong khuôn khổ kế hoạch của họ tiến tới dân chủ và cai trị dân sự.
Nhưng các tổ chức đối lập của Miến Điện và cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc bầu cử là bất công bởi vì nó hạn chế khả năng vận động của các ứng cử viên đối lập. Nhiều người, trong đó có bà Aung San Suu Kyi đã bị cấm không cho ra tranh cử.
Ông Sunai Pasuk là đại diện của tổ chức Human Rights Watch ở Bangkok. Ông nêu nhận định như sau.
Ông Pasuk nói: “Liệu sự kiện này có đem lại thay đổi có ý nghĩa cho Miến Điện hay không? Liệu nó có đem lại sự cải thiện nghiêm túc cho việc gọi là cởi mở đất nước đem lại nhiều dân chủ hơn? Hoàn toàn là không; nó chỉ hợp thức hóa sự củng cố quyền lực. Nói chỉ là sự hợp thức hóa có thủ tục việc quân đội chế ngự Miến Điện mà thôi.”
Cũng trong ngày hôm nay, quân đội sẽ ban hành một bộ luật cho phép động viên thanh niên nam nữ gia nhập quân đội.
Ông Carl Thayer, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học New South Wales của Australia, nói rằng sự kiện đó có thể chứng kiến việc quân lực giành nhân sự hiện đang làm việc trong khu vực tư nhân ở Miến Điện.
Ông Thayer cho biết: “Nó dành cho chính phủ khả năng động viên những người có căn bản thích hợp về giáo dục hay kỹ thuật, được cần đến hơn, và cả phụ nữ nữa cho các dịch vụ kỹ thuật. Trong một quân đội tự nguyện, kinh doanh tư nhân phải cạnh tranh để có tài năng tốt nhất trong nước.”
Các tổ chức nhân quyền tố cáo quân đội Miến Điện là dùng binh sĩ trẻ em và buộc thường dân phải làm công việc dọn và di chuyển mìn. Tin cho hay quân đội gặp vấn đề duy trì quân số vì nhiều người đào ngũ.
Theo luật mới, những người trốn quân dịch có thể bị tù tới 5 năm.
Bộ luật mới cũng sẽ giúp quân đội động viên người từ các trường đại học, thường được coi là nguồn bất đồng chính.
Các chuyên gia trong vùng nói rằng động viên cho quân đội là một phương pháp khác để củng cố quyền lực quân sự. Quân đội đã nắm quyền kiểm soát Miến Điện từ năm 1962. Năm 1990, phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã thắng cử, nhưng quân đội không chịu giao lại quyền hành.
Bà Aung San Suu Kyi được phóng thích 1 tuần sau cuộc bầu cử năm ngoái, sau khi bị quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên qua. Đảng đối lập của bà, Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, đã bị giải thể trước cuộc bầu cử tháng 1 và không có ghế nào trong quốc hội mới.
Quốc hội mới của Miến Điện, được bầu lên hồi tháng 11 năm ngoái, sẽ họp phiên đầu tiên vào cuối tháng này. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các tổ chức nhân quyền coi quốc hội chỉ là một cách để chính phủ quân nhân củng cố quyền hành.