Sáu chiến lược thôn tính

Sáu chiến lược thôn tính

(Biên tập lại từ bài nói chuyện trong chương trình Cà phê sáng thứ 7 lần thứ 6 do Hội doanh nhân trẻ TP. HCM và Plan A Communication phối hợp tổ chức, ngày 27 tháng 11, 2010)

Kinh tế học không có khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Tôi cho đến giờ vẫn là một economist nên tôi vẫn suy nghĩ theo lối mòn của kinh tế học thôi. Chị Hoa Lài có nhờ tôi nói về chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và thú thực là tôi rất ngần ngại.

Lý do là tôi chưa bao giờ lãnh đạo một doanh nghiệp vừa và nhỏ và như tôi nói vừa rồi thì cách tiếp cận của tôi cũng không cho phép tôi suy nghĩ riêng về chiến lược cho SMEs, và vì thế các chia sẻ của tôi có thể xa rời thực tế. Tuy nhiên cuối cùng thì tôi vẫn quyết định nhận lời, vì có 3 ý: Thứ nhất là biết đâu sau này những gì tôi nói sau đây sẽ có ích cho quý vị. Thứ hai là qua trao đổi như thế này quý vị sẽ hiểu những người trong giới chúng tôi suy nghĩ như thế nào. Và thứ ba là giả dụ cả hai điều trên không xảy ra thì câu chuyện của tôi biết đâu cũng sẽ mua vui cho quý vị được một vài trống canh.

Tuy không có khái niệm SMEs, nhưng kinh tế học lại có khái niệm về quy mô của thị trường. Trên thực tế, tôi đã có vài năm làm việc liên quan đến việc xác định quy mô của thị trường. Khái niệm này nghe có vẻ tầm thường, nhưng lại vô cùng quan trọng trong phân tích kinh tế. Vì chỉ khi xác định được quy mô của thị trường thì tôi mới xác định được thị phần của các doanh nghiệp trong thị trường đó, mà điều này có ẩn ý cực kỳ lớn về mặt chính sách.

Tôi lấy một thí dụ:

Eaton là một doanh nghiệp đứng đầu ở Mỹ về sản xuất các loại hộp số hạng nặng cho các xe cơ giới hàng khủng như xe tải 16 bánh, xe nghiền xi măng, xe cứu thương,… ArvinMeritor cũng là một hãng sản xuất thiết bị ô tô ở Mỹ. ZF là một hãng đa quốc gia có nguồn gốc ở châu Âu. ZF và ArvinMeritor thành lập liên doanh ở Mỹ gọi là ZFMeritor vào cuối thập kỷ 90 để sản xuất các sản phẩm cạnh tranh với Eaton. Đến khoảng 2005-2006 thì liên doanh này bị phá sản. ZFMeritor đệ đơn lên tòa án khởi kiện Eaton vì cạnh tranh bất bình đẳng với khoản đòi bồi thường lên tới trên 1 tỉ USD.

Lập luận của ZFMeritor là Eaton là công ty có thị phần khống chế trên thị trường sản xuất hộp số ở Mỹ. Vì thế Eaton đã dựa vào lợi thế này để ép buộc các hãng sản xuất xe phải mua sản phẩm từ Eaton thay vì từ ZFMeritor thông qua các hợp đồng cung ứng độc quyền dài hạn. Vì các hợp đồng này, ZFMeritor không thể bán được hàng và phải phá sản.

Tuy nhiên, muốn thắng kiện ZFMeritor phải chứng minh được là thị trường hộp số ở Mỹ là một thị trường tách biệt.

Lập luận của Eaton khi đó là mặc dù Eaton rất lớn ở Mỹ, nhưng các hãng sản xuất xe ở Mỹ có thể nhập hộp số từ Mexico, Canada, và từ châu Âu. Tức là thị trường hộp số không thể chỉ gói gọn ở Mỹ được. Mà nếu như thế, thực ra Eaton có thị phần rất nhỏ, không đủ khả năng ép các doanh nghiệp sản xuất xe ở Mỹ sử dụng sản phẩm của Eaton.

Như thế, quy mô của thị trường hộp số được xác định như thế nào trong trường hợp này liên quan đến sự thắng bại của các bên liên quan đến vụ kiện hàng tỷ USD.

Tương tự, việc chính phủ Mỹ quyết định có nên cho các hãng lớn thực hiện sáp nhập hay không cũng phải dựa trên tính toán thị phần của các hãng này, sau khi xác định được quy mô của thị trường lớn cỡ nào. Chính phủ Mỹ sẽ không cho các hãng lớn sáp nhập nếu sau khi Bộ Thương mại (Department of Commerce - DOC) hoặc Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – FTC) phân tích và chỉ ra được thị phần của các hãng này sẽ quá lớn sau sáp nhập và sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến dân Mỹ vì nạn độc quyền.

Thế nên quay lại vấn đề ban đầu, tôi muốn nói là quy mô của thị trường là khái niệm hết sức quan trọng trong kinh tế học.

Mà về quy mô thì có những thị trường rất lớn – như thị trường lúa gạo hay hải sản. Nhưng cũng có thị trường khá là nhỏ như thị trường thuốc chữa viêm gan B ở VN chẳng hạn. Nói đến thị trường lúa gạo cũng sẽ là câu hỏi hay để hỏi liệu ngô có nằm cùng một thị trường với lúa mì hay không, cảm nghĩ chủ quan của tôi là không, nhưng trả lời dứt điểm được thì phải có phân tích định lượng.

Dù thị trường lớn hay nhỏ, thì khi bạn thống trị hay khống chế thị trường ấy, nói cách khác, bạn có thị phần ít nhất 60% - 70% thì bạn không thể không có lãi. Nếu không có lãi thì có nghĩa bạn đã làm rất, rất sai.

Thế nên cuộc chơi trên bất cứ thị trường nào về cơ bản vẫn là cuộc chơi chiếm lĩnh và khống chế thị trường. Bạn sẽ thắng khi bạn chiếm được đa số thị phần, và thua khi bị ép ra khỏi thị trường bạn đã từng kinh doanh.

Các chiến lược lớn để chơi cuộc chơi này là gì? Tôi chỉ nêu ra một sáu chiến lược đã được nói đến nhiều, và phân tích rất kỹ trong kinh tế cũng như khoa học quản trị. Quý vị có thể đã biết một số những thứ này, nhưng tôi chắc chắn là quý vị chưa biết hết. Ngoài sáu chiến lược này thì còn nhiều chiến lược khác nữa nhưng tôi sẽ không nói ở đây hôm nay. Vì nếu nói hết ra thì tôi cạn vốn mất!

(còn tiếp 1 kỳ)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.