Theo một nghiên cứu mới đây của Ruffle và Shtudiner (“Are Good-Looking People More Employable?” - Người đẹp có dễ xin việc làm hơn hay không?), những người có thói quen dán ảnh mình vào hồ sơ lý lịch (resume) phải cẩn thận, đặc biệt là phái nữ. Ruffle và Shtudiner đã tìm được bằng chứng rằng phụ nữ xinh đẹp nếu dán ảnh vào resume thì khả năng được gọi phỏng vấn thấp hơn nhiều so với không dán hình mình vào resume.
Nhiều người đi tìm việc châu Âu, Israel, thậm chí Việt Nam đang quen dần với việc dán một bức ảnh nhỏ của mình lên góc trên của tờ sơ yếu lí lịch. Ruffle và Shtudiner đã thử nghiên cứu phản ứng của các nhà tuyển dụng dựa trên ngoại hình trong ảnh mà các ứng viên dán vào resume. Trong một thí nghiệm, hai ông đã gửi đi 5312 resume tới 2656 cơ sở đang cần tuyển nhân viên, mỗi cơ sở gửi tới 2 bộ. Hai bộ CV này giống nhau về mọi mặt, trừ việc một bộ không dán ảnh còn một bộ CV thì hoặc là dán một bức ảnh của một người nam/nữ thật xinh đẹp hoặc thật bình thường.
Kết quả là những cơ sở đang muốn thuê lao động gọi lại cho các ứng viên nam đẹp trai cao hơn rất nhiều so với các ứng viên nam không có hình hoặc có ngoại hình bình thường. Số lượng cuộc gọi cho các ứng viên đẹp trai thậm chí gấp đôi số lượng cuộc gọi cho các ứng viên nam có ngoại hình bình thường. Trong khi 19.7% số resume của nhóm đẹp trai được gọi thì chỉ có 9.2% resume của nhóm đàn ông ngoại hình bình thường là được gọi, còn trong số resume của đàn ông không dán ảnh thì có 13.7% được gọi.
Đáng kinh ngạc là những phụ nữ có ngoại hình xinh đẹp thì lại không được hưởng sự ưu ái tương tự. Trên thực tế, phụ nữ không kèm theo hình trong hồ sơ lý lịch nhận được nhiều cuộc gọi lại hơn là những phụ nữ có kèm theo hình, bất kể là hình đẹp hay hình bình thường. Trong số resume của nhóm phụ nữ hấp dẫn, chỉ có 12.8% được gọi, so với 13.6% resume của phụ nữ bình thường được gọi và 16.6% resume của phụ nữ không dán ảnh được gọi.
Như vậy, trong tổng số 6 nhóm resume mà Ruffle và Shtudiner gửi đi, nhóm đàn ông với các bức ảnh ngoại hình hấp dẫn được “ưu ái” với tỷ lệ gọi đến phỏng vấn cao nhất (19.7%), tiếp sau là các chị em không dán ảnh (16.6%). Ít được gọi nhất trong số 6 nhóm này là đàn ông xấu trai!
Ruffle và Shtudiner tìm hiểu một số các lý do khác nhau để giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này. Sau khi cuộc khảo sát chấm dứt, hai ông đã liên hệ với các hãng tuyển dụng mà hai ông đã gửi các resume đến và phát hiện ra rằng 93% số người xét duyệt các resume được gửi tới là phụ nữ, trong số đó tuyệt đại đa số trong độ tuổi còn trẻ (từ 23 đến 34 tuổi, với mức trung bình là 29 tuổi) và chưa chồng (67%).
Và điều này giúp giải thích tại sao cánh đàn ông đẹp trai lại được ưu ái đến vậy trong số 6 nhóm người nộp resume. Nó cũng giải thích tại sao cánh đàn ông xấu trai (và dán ảnh của mình vào resume) lại gặp số phận đen đủi. Vâng, là tại vì các vị chường cái mặt xấu của mình ra, và phía bên kia, những người xét duyệt lại là các cô gái trẻ trung chưa chồng.
Nam |
Nữ | |||
Đẹp giai |
Xấu giai |
Đẹp gái |
Xấu gái | |
Có ảnh được chọn |
34.40% |
11.10% |
17.20% |
34.40% |
Không có ảnh được chọn |
17.20% |
40.70% |
55.20% |
20.70% |
Gọi cả hai |
48.30% |
48.10% |
27.60% |
44.80% |
Tổng số |
100.00% |
100.00% |
100.00% |
100.00% |
Ruffle và Shtudiner đã làm các phép so sánh tiếp theo như sau: Hai ông lọc ra các trường hợp nộp resume mà ít nhất một trong số hai bộ được gọi lại (nhớ rằng với mỗi địa chỉ tuyển dụng các ông gửi đi hai bộ, một có hình và một không có hình). Trong số các cặp hồ sơ nữ gửi đi mà ít nhất một hồ sơ được chọn, những trường hợp riêng người xinh gái được chọn chỉ chiếm có 17.2% trong khi những trường hợp chỉ riêng người không ảnh được chọn lên tới 55.2%. Rõ ràng là phụ nữ xinh đẹp khi nộp hồ sơ (và dán ảnh của mình vào resume) chịu sự đối xử bất công rất lớn. Ruffle và Shtudiner giải thích đây là hậu quả của tính ghen ăn tức ở của phụ nữ.
Sự ghen ăn tức ở này còn kỳ quái ở một góc độ thể hiện khác. Trong số các cặp hồ sơ nữ gửi đi mà ít nhất một hồ sơ được chọn, những trường hợp riêng phụ nữ xấu được chọn chiếm 34.4% trong khi những trường hợp chỉ riêng người không ảnh được chọn chỉ bằng 20.7%. Có nghĩa là phụ nữ xấu nếu dán ảnh của mình vào resume thì khả năng được chọn lại cao hơn là không dán ảnh.
Như thế, phải chăng các quý cô độc thân làm văn phòng thích tuyển những người xấu (hơn họ?) vào văn phòng và loại thẳng cổ những đối tượng “hot” ra khỏi cuộc chơi tuyển dụng? Các quý cô cũng thích tuyển các anh chàng đẹp trai phong độ, và cực ghét bọn đàn ông xấu trai xin việc vào công ty mình?
Thống kê của Ruffle và Shtudiner có sai số tương đối lớn vì mẫu thống kê khá nhỏ. Tuy nhiên, các phát hiện của hai ông này cũng đáng để ngẫm nghĩ. Riêng tôi, lần sau khi xin việc sẽ kiên quyết không dán ảnh vào resume!