2011: Năm của quần chúng

Làn sóng biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bắt đầu từ tháng 6/2011

Chúng ta sắp chào đón Tết âm lịch để bước sang năm mới Nhâm Thìn. Năm 2011 vừa qua được cho là năm có nhiều sự kiện nổi bật đối với Việt Nam nói riêng và với cả thế giới nói chung. Bốn vị khách mời tham gia chương trình hôm nay sẽ giúp chúng ta điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm qua, theo đánh giá của người trẻ trong nước.

Hoàng: Mình là Vũ Sỹ Hoàng ở Sài Gòn.

Anh: Mình là Quốc Anh ở Nha Trang.

Tuấn: Em là Tuấn. Hiện em đang ở Daklak.

Phan: Mình là Phan, hiện đang ở Sài Gòn.

Trà Mi: Sắp bước sang năm mới âm lịch, nhìn lại năm 2011, các bạn thấy có sự kiện nào đáng chú ý nhất, đáng ghi nhớ nhất?

Tuấn: Trong năm qua, em thấy có rất nhiều sự kiện đáng chú ý trên thế giới và Việt Nam. Về thế giới, đáng chú ý là tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới, đặc biệt khủng hoảng nợ công ở Châu Âu điển hình tại các nước Hy Lạp, Italy, hay Pháp. Kế tới là sự vươn lên mạnh mẽ của một số nước như Trung Quốc, Brazil, hay Ấn Độ. Về chính trị, đáng chú ý là các cuộc cách mạng ở các nước Bắc Phi, Trung Đông như ở Syria, Libya, Ai Cập. Ở Việt Nam cũng có một số vấn đề đáng chú ý như kinh tế trong năm tăng trưởng 5,9%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng trên 18%. Lãi suất ngân hàng rất cao, trên 20%. Người dân cảm thấy cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Như vậy, mình cần để ý tới nhiều điều về khả năng phát triển của kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế thật sự khó khăn. Về chính trị, đảng cộng sản Việt Nam năm rồi tổ chức đại hội và cơ cấu lại một số vai trò lãnh đạo. Kế nữa, tình trạng đàn áp, bắt bớ của công an Việt Nam đối với những người biểu tình. Một số nhân vật bất đồng chính kiến bị xét xử như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và tình trạng giam cầm các blogger.

Trà Mi: Tuấn vừa điểm qua một số sự kiện mà bạn quan tâm. Bây giờ xin mời ý kiến của các bạn khác.

Hoàng: Năm qua, một số nhà độc tài trên thế giới qua đời như Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên, Gadhafi của Libya. Tại Việt Nam, mình chú ý tới căng thẳng bùng phát với Trung Quốc sau khi Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam. Làn sóng trí thức, sinh viên tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Sài Gòn đứng lên biểu tình để thể hiện sự căm phẫn và quan điểm muốn bày tỏ với nhà nước và với Trung Quốc. Đó là người dân muốn góp tiếng nói với chính quyền để thể hiện tinh thần dân tộc.

Trà Mi: Xin mời Quốc Anh. Ngoài những điểm Tuấn và Hoàng vừa nêu, còn những sự kiện nào mà Quốc Anh quan tâm khác với hai bạn vừa rồi không?

Anh: Năm vừa qua có cái chết của trùm khủng bố Bin Laden cũng rất đáng lưu ý, sự qua đời của cố Tổng thống Tiệp Khắc Havel, phong trào chiếm lĩnh Wall Street ở Mỹ và trên khắp thế giới. Trong nước cũng có 11 cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội và 2 cuộc biểu tình ở Sài Gòn, phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, tình trạng chính quyền Việt Nam liên tục đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, những tiếng nói yêu nước, những tiếng nói phản biện, tình trạng đàn áp tôn giáo như vụ tranh chấp đất ở giáo xứ Thái Hà..v…v..

Trà Mi: Cảm ơn bạn. Bây giờ xin mời Phan. Bạn có ý kiến nào khác?

Phan: Sự quan tâm của mình trong năm qua xoay quanh việc các chế độ độc tài thay nhau sụp đổ, giống như tiên tri của người Maya rằng năm 2012 thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới của văn minh loài người. Đó là giai đoạn của tình yêu-hòa bình-ánh sáng.

Tuấn: Năm qua có vài sự kiện khoa học em cũng quan tâm như giải thưởng Fields của nhà toán học Ngô Bảo Châu và giải thưởng toán học của giáo sư Hoàng Tụy.

Trà Mi: Vì sao các bạn cho rằng những sự kiện vừa nêu là đáng chú ý nhất?

Hoàng: Những biến động trong xã hội ảnh hưởng tức khắc tới đời sống của cả dân tộc, của nhân dân. Mình là con dân của Việt Nam, nên cảm thấy rất bức xúc khi Trung Quốc ngang nhiên tiến vào vùng biển của mình, cắt cáp tàu thăm dò, đuổi bắt, bắn giết ngư dân mình, đòi tiền chuộc, v..v…trong khi chính quyền không công bố thông tin rộng rãi cho người dân biết, không bảo vệ ngư dân. Chính vì thế, người dân mới đứng lên thể hiện tinh thần ‘Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh’. Giới trí thức, tuổi trẻ, sinh viên đầy nhiệt huyết tất nhiên phải thể hiện tinh thần và tiếng nói của mình.

Trà Mi: Xin mời các bạn khác.

Phan: Mình quan tâm đến sự kiện các nhà độc tài chết vì mình nghiên cứu khá nhiều về năm 2012 và mình là người rất ghét áp bức, bóc lột.

Trà Mi: Nhưng những sự kiện này có tác động ra sao với thế giới và ảnh hưởng thế nào với Việt Nam, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, khiến giới trẻ quan tâm?

Anh: Các cuộc biểu tình có sức lan tỏa rất mạnh. Phong trào Mùa xuân Ả Rập xuất phát từ Tunisia, lan qua Ai Cập, Syria. Dù chưa lan tới Châu Á nhưng cũng có một số cuộc biểu tình ở Trung Quốc và Việt Nam. Người biểu tình không có tấc sắt trong tay. Họ chỉ có thể xuống đường bất bạo động, đòi hỏi tự do, công bằng, lẽ phải. Vấn đề quan tâm là họ đã vượt qua được sự sợ hãi, cùng nhau lên tiếng, đoàn kết chống lại bất công, độc tài. Đó là điều rất đáng quan tâm.

Hoàng: Năm qua xảy ra biểu tình tại nhiều nước trên thế giới. Người biểu tình muốn nói lên sự thật và mong được tự do, được sống hạnh phúc, thoải mái hơn. Những gì bị áp bức, những gì không thỏa đáng khiến người ta phải đứng lên nói lên tiếng nói của họ. Đó là lý do chung mọi người xuống đường biểu tình. Khi cuộc cách mạng đấu tranh của các nước trên thế giới thành công, tất nhiên mình cũng cảm thấy có niềm vui lây. Mình đồng cảm và chia sẻ được với họ và cảm thấy rất phấn khởi.

Tuấn: Cách mạng Hoa Lài xảy ra ở một số nước độc tài. Ở Việt Nam, em cảm thấy cũng là một chế độ độc tài nhưng theo kiểu khác. Họ là một tập thể độc tài thay nhau nắm quyền, thay nhau lãnh đạo đất nước, cũng là một dạng độc tài. Các cuộc cách mạng ở một số nước như vậy sẽ cổ vũ tinh thần cho một số nước có chế độ độc tài còn lại như Việt Nam chẳng hạn, làm cho mọi người mạnh dạn lên tiếng.

Anh: Mình thấy các chế độ độc tài đã ra đi trên thế giới cũng có một sự tương đồng, giống chế độ độc đảng ở Việt Nam. Mình quan tâm vì liệu hiệu ứng này có xảy ra tại các nước Châu Á trong đó có Việt Nam hay không. Và mình luôn muốn có một sự thay đổi đáng kể trong nước của mình như người dân phải biết lên tiếng trước những điều xấu xa, vượt qua sự sợ hãi để cùng nhau đấu tranh, đừng vô cảm nữa. Chỉ cần mọi người đoàn kết với nhau thì không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại được cả.

Trà Mi: Các bạn vừa rồi đã nói về các cuộc biểu tình, sự ra đi của các nhà độc tài. Bây giờ xin hỏi Tuấn, vì sao bạn quan tâm đến kinh tế thế giới? Nó có ảnh hưởng thế nào đối với người dân và tình hìnhViệt Nam chăng?

Tuấn: Việt Nam là một phần trong nền kinh tế thế giới. Khi kinh tế thế giới suy giảm, dù ít nhiều cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Kinh tế thế giới đi xuống sẽ thay đổi nhiều thứ, về chính trị, về mối quan hệ giữa các nước. Chẳng hạn như khi kinh tế Châu Âu sụp đổ, vị trí ảnh hưởng của họ có thể thấp dần trước sự đi lên của Trung Quốc. Trung Quốc đang có tranh chấp với Việt Nam. Khi họ mạnh lên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có vấn đề gì cũng luôn ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người, trong đó có cá nhân mình. Đối với các cuộc biểu tình mùa hè qua ở Sài Gòn, Hà Nội, em rất quan tâm đến tình trạng đàn áp, bắt bớ người biểu tình, đưa họ vào trại phục hồi nhân phẩm. Trong khi những người biểu tình đó không phải đi đòi đất cho cá nhân họ, mà họ đi đòi biển đảo, lãnh thổ cho chính tổ quốc của mình, nhưng họ lại bị người ta bắt bớ, đánh đập..

Trà Mi: Bạn cho rằng những người biểu tình vì quyền lợi chung mà cất lên tiếng nói. Nhưng phía chính quyền nhìn những sự việc này là thái độ chống đối, thách thức, gây rối trật tự, có thể làm ảnh hưởng tới xã hội, nên họ mới có biện pháp chế tài, răn đe. Bạn nghĩ sao?

Tuấn: Em cảm thấy rất buồn vì đất nước mình bị xâm lấn trắng trợn mà thái độ của nhà cầm quyền lại hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của nhân dân. Em không nghĩ chính quyền vì lợi ích của nhân dân.

Trà Mi: Xin mời các bạn khác.

Hoàng: Những người cầm quyền họ cố tham quyền cố vị. Họ cố bảo vệ ghế của mình nên mới cho rằng người biểu tình chống đối họ. Thật ra, việc làm của người biểu tình là tốt, là bảo vệ xã hội, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ hơn. Họ có chống ai đâu. Họ chỉ chống những cái xấu, góp phần xây dựng tổ quốc mà thôi.

Trà Mi: Trong các sự kiện được các bạn quan tâm có mảng nhân quyền tại Việt Nam. Các vụ án xét xử những người bất đồng chính kiến trong năm cũng khiến các bạn quan tâm. Xin các bạn cho biết lý do vì sao?

Phan: Vì những nhà bất đồng chính kiến đó họ đại diện cho chúng tôi. Họ đại diện cho nhân dân đang bị đàn áp, bóc lột, nên chúng tôi quan tâm đến họ và ủng hộ họ.

Trà Mi: Chúng ta vừa nghe 4 bạn trẻ trong nước điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2011. Ý kiến của các bạn nghe đài ra sao? Những sự kiện nào quý vị cho là nổi bật nhất trong năm qua và vì sao? Xin vui lòng chia sẻ với chúng tôi trên Tạp chí Thanh Niên trong phần chuyên mục đặc biệt ngay trang chính ở địa chỉ www.voatiengviet.com.

Nhân vật của năm 2011, sự kiện của năm, chuyện hàng đầu của năm, người trẻ đặt tên cho năm 2011 như thế nào, và họ mong ước gì trong năm mới 2012? Xin mời quý vị đón nghe Tạp chí Thanh Niên của đài VOA vào giờ này, tuần sau.

http://www.youtube.com/embed/WBWzoaC1awo