Việt: Tôi là Việt từ Sài Gòn.
Thành Nguyễn: Mình là Thành ở Sài Gòn.
Lê: Mình là Lê, hiện cũng đang ở Sài Gòn.
Trà Mi: Theo các bạn, sự kiện nào chấn động nhất, gây kinh hoàng nhất trong năm 2011 vừa qua?
Việt: Việc gây sốc nhất là hình ảnh một người đi biểu tình bị đạp vào mặt. Đó là việc đáng lên án, không thể chấp nhận được.
Trà Mi: Vì sao bạn cảm thấy chuyện này gây sốc nhất trong năm qua?
Việt: Vì một người biểu tình để bảo vệ biển đảo của quốc gia lại bị chính những người an ninh trong nước đạp giày vào mặt. Họ chà đạp lên chính lòng yêu nước của người dân. Từ cổ chí kim, chưa có một thể chế nào làm như thế cả. Thời Pháp thuộc họ cũng không chà đạp lòng yêu nước của người dân Việt đến mức như vậy.
Trà Mi: Xin mời 2 người bạn còn lại. Có những sự kiện nào gây sốc nữa mà các bạn ghi nhận được trong năm qua?
Lê: Hình ảnh một cán bộ dân phòng tiến thẳng lên cung thánh của nhà thờ giáo xứ Thái Hà muốn hành hung linh mục, tu sĩ đang cử hành thánh lễ cũng là chuyện gây sốc đối với xã hội Việt Nam trong năm này.
Trà Mi: Anh Lê vừa nhắc tới vụ việc liên quan đến căng thẳng tranh chấp đất đai giữa giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội với chính quyền. Sau hàng loạt các vụ việc qua lại, xuất hiện một người dân phòng có hành động xúc phạm đến thánh lễ của nhà thờ Thái Hà. Bây giờ xin mời Thành.
Thành: Vụ giết người ở tiệm vàng tại Bắc Giang, theo mình, rất gây sốc. Thứ nhất về vấn đề suy đồi đạo đức trong giới trẻ. Bản án 18 năm dành cho hung thủ Lê Văn Luyện cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận, giết 3 mạng người chỉ bị 18 năm tù.
Trà Mi: Ngoài vụ hình sự này, các bạn có ghi nhận các sự kiện xã hội nào khác gây chấn động, gây kinh hoàng nữa không?
Việt: Đối với tất cả những người dân đang mất nhà, mất vườn, mất ruộng, mất rẫy, sự kiện ông Đoàn Văn Vươn dùng võ lực sau các phiên tòa và quá trình giải quyết không thỏa đáng của chính quyền địa phương. Lần đầu tiên trong nhiều chục năm nay, người nông dân dám đứng lên dùng chính những võ khí tự tạo để bảo vệ mảnh đất, mảnh vườn của mình. Ông Vươn đúng là người hùng cho những người cày mất ruộng. Ông Vươn đang bị xét có tội chống người thi hành công vụ, nhưng dư luận trong nước đang xôn xao về vụ này, kể cả ông Lê Đức Anh cũng lên tiếng về vấn đề xuất phát do sai phạm của những người thi hành công vụ.
Trà Mi: Việt mô tả ông Vươn là người hùng cho những người nông dân mất ruộng. Liệu mô tả của bạn có thể gây tranh cãi hay không khi chính ông Vươn cũng đã phạm pháp rồi? Để có thể gọi là anh hùng, phải có những hành động hợp pháp trước cái đã, phải không?
Việt: Nhưng ở Việt Nam, đi con đường hợp pháp đều bị ép bằng luật rừng cả. Tỷ lệ đơn khiếu kiện đất đai ở Việt Nam hiện chiếm nhiều nhất trong tất cả các đơn kiện, nhưng xử lý không đến đâu cả.
Trà Mi: Như vậy sự việc của ông Vươn cho chúng ta suy nghĩ như thế nào?
Việt: Những nhà làm luật ở Việt Nam phải đối xử công bằng hơn với người dân, không thể cứ dùng quyền quản lý đất đai của chính quyền muốn làm gì thì làm.
Trà Mi: Nhưng Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý.
Việt: Ai cũng biết đó là mị dân, không phải sở hữu toàn dân mà quyền sở hữu đất thuộc về những người có chức, có quyền. Họ muốn quy hoạch ở đâu là quyền của họ.
Trà Mi: Theo Việt, quy định của Việt Nam đối với quyền sử dụng đất của người dân chưa thỏa đáng, chưa hợp lòng dân tới mức khiến người nông dân nổi giận, dẫn tới sự việc đáng tiếc như thế. Vụ việc của ông Vươn cũng là một sự kiện lâu lắm mới có một lần, nên gây chấn động. Các bạn khác, còn những sự kiện nào các bạn muốn góp ý nữa không? Xin cho Trà Mi ghi nhận thêm.
Lê: Sự kiện ông đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước phát biểu rằng ở Việt Nam không cần luật biểu tình gây sốc cho giới trẻ trong thời gian qua, vì biểu tình là quyền cơ bản nhất của con người để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình.
Trà Mi: Như bạn nói, có ý kiến cho rằng luật cho phép biểu tình biểu hiện mức độ văn minh, mức độ tôn trọng nhân quyền của một nước. Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng chính bản thân việc biểu tình kéo theo những hệ lụy có thể có không được hay. Chẳng hạn như biểu tình có thể gây ra bạo động làm rối loạn trật tự-an ninh-xã hội, hoặc có thể gây ra những hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng chung đến mỹ cảnh của thành phố, khu vực, hay địa phương. Những khía cạnh trật tự, trị an xã hội đó khiến người ta dè dặt với luật biểu tình. Các bạn thấy thế nào?
Lê: Những người ăn trên ngồi trước đưa ra các luận điệu này để bảo vệ ghế ngồi và quyền lực của họ mà thôi.
Trà Mi: Các bạn có mường tượng rằng nếu Việt Nam cho phép biểu tình thì mặt bằng trật tự, trị an xã hội của Việt Nam nhìn chung sẽ không được ổn định như hiện nay chăng?
Thành: Biểu tình là quyền căn bản để người dân thể hiện chính kiến của mình. Còn việc để cho biểu tình xảy ra bạo động hay không thuộc về trách nhiệm của chính quyền. Và chính vì vậy nên phải cần có luật.
Trà Mi: Còn sự kiện nào gây sốc nữa không các bạn?
Việt: Sự kiện cho tới lúc này đã có 17 thanh niên Công giáo bị bắt. Nhiều người trong số đó bị giam hơn 4 tháng rồi mà chưa thông qua xét xử. Họ toàn bị chụp mũ ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Trà Mi: Vì sao bạn cho rằng việc 17 thanh niên Công giáo bị bắt gây kinh hoàng cho giới trẻ?
Việt: Thông điệp từ vụ này là hễ anh hoạt động bên Công giáo, bên Bảo vệ Sự sống, hay tham gia truyền thông Chúa Cứu thế hoặc truyền thông nào đó, anh có thể bị bắt và bị giam tù bất kỳ lúc nào, bị chụp mũ bất kỳ tội gì. Điều này không thể tưởng được.
Trà Mi: Từ sự việc này, liệu chăng người trẻ Việt Nam có kinh hãi?
Việt: Đúng là ban đầu nhìn vào việc này mình có sợ, nhưng sau đó cũng quen, và trở nên can đảm.
Lê: Sự kiện các thanh niên Tin lành, Công giáo, và những người yêu nước bị bắt trong thời gian qua, thật sự không gây sốc, nhưng rất đáng kinh hoàng đối với giới trẻ trong nước. Các bạn đang bị bắt hầu hết là những người yêu nước nhiệt thành với công tác xã hội, giáo hội. Các bạn ấy đã tham gia công tác bảo vệ sự sống, đi cứu trợ đồng bào nghèo khổ. Họ làm những việc rất có ích lợi cho xã hội, một xã hội đã bị biến dạng. Sống trong xã hội này, mình đã chứng kiến những cái đó và mình sẵn lòng bày tỏ nguyện vọng của mình, không còn sợ sệt, tự tin hơn, tự hào hơn.
Thành: Những sự việc công an đánh chết người mà vụ gần đây nhất khiến mình vẫn còn suy nghĩ tới giờ là câu nói của ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh trước tòa rằng ông không hối lỗi khi gây chết người, vì đó chỉ là ‘tai nạn nghề nghiệp’. Theo mình đây là một cái báo động vì mạng người đối với một trung tá công an 36 năm trong nghề chỉ là ‘tai nạn’ nghề nghiệp. Điều này nói lên vấn đề sâu xa ở đây là bản chất công an rất nguy hiểm đối với người dân. Bản án 4 năm tù dành cho ông ta khiến người dân bất an vì đánh chết 1 mạng người chỉ trả giá có 4 năm tù. Công an đáng lẽ phải bảo vệ dân, nhưng ngược lại, họ lại xem mạng sống của dân là ‘tai nạn nghiệp vụ’, thật sự rất ghê gớm.
Trà Mi: Thành vừa nhắc tới vụ án của ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, không đội nón bảo hiểm bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết. Thủ phạm vừa bị tuyên án 4 năm.
Thành: Năm nào cũng có các vụ công an đánh chết người. Bạo lực trong ngành công an ngày càng gia tăng. Trong rất nhiều trường hợp, công an dùng bạo lực tra tấn. Mới đây nhất, hai công an ở Nha Trang đã dùng roi điện và nhục hình tra tấn một người phụ nữ. Trước đó là trường hợp của anh Nhật ở Bình Dương bị tra tấn đến chết mà không rõ có phạm tội ăn cắp hay không. Đây là tình trạng báo động đang hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống người dân Việt Nam. Mình cảm nhận công an bây giờ là một hiểm họa rất ghê. Vụ đất đai Thái Hà, mình xin nói thêm một vấn đề gây sốc nữa. Đó là thường xuyên xuất hiện ‘quần chúng tự phát’. Người biểu tình yêu nước thì bị dẹp rất gọn. Còn ‘quần chúng tự phát’ thì nổi lên bất cứ chỗ nào có mâu thuẫn để trở thành võ khí đối đầu với nhân dân chân chính. Có người cho rằng ‘quần chúng tự phát’ là lực lượng của chính quyền. Còn chính quyền thì phủ nhận, nói rằng đó là những người dân bức xúc tự nổi lên. Cho dù là dân tự nổi lên đi nữa, nhưng để họ gây ra những cảnh bạo động như vậy, trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền là quản lý không tốt. Rất nhiều chuyện đe dọa đến sự an nguy của dân bây giờ. Ngoài công an, bây giờ còn có ‘quần chúng tự phát’, giang hồ..v..v..nữa.
Trà Mi: Nhiều thứ ‘tự phát’ quá.
Thành: Xã hội ngày càng bất an.
Lê: Mình thấy sự kiện ở giáo xứ Mỹ Lộc cũng gây sốc khi nhà cầm quyền bố trí hàng trăm công an, an ninh, dân phòng mặc thường phục na ná kiểu ‘quần chúng tự phát’ tới tấn công, đánh đập đồng bào ở đây rất dã man. Mười một người phải nhập viện, trong đó có những người trong tình trạng nguy cập. Bể nước sinh hoạt của giáo xứ trong nhà xứ bị bỏ thuốc độc vào. Đồng bào giáo dân đi chợ bị lực lượng này ra đánh đập. Đây là một sự đàn áp tôn giáo rất dã man.
Việt: Gần đây nhà nguyện Con Cuông ở Vinh bị đặt bom. ‘Quần chúng tự phát’tới quậy phá nhà thờ. Sau đó 1, 2 tuần, có hai người đi xe máy tới nhà thờ lúc 2 giờ sáng, quăng bom tự chế vào nhà thờ. Bom nổ gây hư hại mái trước của nhà nguyện.
Trà Mi: Sự can thiệp của phía chính quyền thế nào?
Việt: Công an tỉnh, huyện lên điều tra nhưng tới giờ chưa nghe kết quả ra sao.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã giúp Trà Mi điểm lại một số sự kiện gây sốc tại Việt Nam trong năm qua. Các bạn liệt kê khá nhiều, trên chục sự việc. Nếu phải bình chọn một sự kiện gây kinh hoàng nhất trong năm, các bạn nghĩ rằng đó là sự kiện nào?
Lê: Sự kiện người yêu nước bị công an an ninh đạp vào mặt là sự kiện gây sốc nặng ký nhất trong xã hội Việt Nam trong năm vừa qua.
Trà Mi: Các bạn khác có đồng ý không hay có ý kiến nào khác?
Việt: Tôi đồng ý. Đó cũng là một trong những sự kiện tôi nêu lên đầu tiên mà đúng là sốc thiệt.
Trà Mi: Thành ý kiến của bạn thế nào?
Thành: Mình cũng cảm thấy sự kiện này là nổi trội và sốc nhất trong năm.
Trà Mi: Cùng nhau điểm lại những sự kiện gây sốc và chọn ra sự kiện gây sốc nhất trong năm, suy nghĩ của các bạn thế nào?
Việt: Người trẻ chúng ta phải làm sao để thể chế không được chà đạp nhân phẩm con người, đặc biệt là nhân phẩm của những người yêu nước.
Trà Mi: Các bạn nghiệm ra được những gì từ những sự kiện gây sốc này?
Lê: Sự kiện anh thanh niên bị công an đạp vào mặt cho chúng ta thấy rằng hễ yêu nước là bị đạp vào mặt hoặc bị bắt bỏ tù.
Thành: Cú đạp này gây sốc tâm lý cho giới trẻ, khiến người trẻ nhận ra được nhiều vấn đề đằng sau cú đạp đó. Cú đạp là một sự xúc phạm, nó thể hiện một sự coi thường nhân dân, xúc phạm tinh thần tự tôn dân tộc.
Trà Mi: Người trẻ nhận thấy những cái không hay, tiêu cực. Vậy mình có thể làm gì để khắc phục những điều tiêu cực đó không?
Thành: Để đóng góp thì thật sự còn nhiều giới hạn ở Việt Nam. Theo mình, điều duy nhất giới trẻ có thể góp phần là lên tiếng nói.
Việt: Đúng, người trẻ lên tiếng và tiếp tục lên tiếng.
Trà Mi: Vừa rồi là những sự kiện gây sốc nhất, chấn động nhất, kinh hoàng nhất, theo ghi nhận của 3 khách mời trong Tạp chí Thanh Niên hôm nay. Dĩ nhiên còn nhiều sự việc khác nữa, rất mong quý thính giả đóng góp thêm với chương trình. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Chúng ta vừa nghe 3 thanh niên trong nước bàn về những sự kiện gây chấn động đối với giới trẻ trong năm qua. Các bạn nghe đài có ý kiến muốn đóng góp, xin vui lòng bình luận và trao đổi trên Tạp chí Thanh Niên trong phần Chuyên mục đặc biệt trên website của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.
Các bạn trẻ muốn trực tiếp thảo luận những chủ đề của Tạp chí Thanh Niên đài VOA, xin email số phone về vietnamese@voanews.com hay voatiengvietvideo@gmail.com, Trà Mi rất hân hạnh mời các bạn tham gia.
Trà Mi xin kính chúc tất cả quý vị và các bạn một cái Tết như ý và một năm mới an lành, đầy phúc lộc. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.