Giữa lúc Thế Chiến Thứ Hai đang trong thời kỳ ác liệt nhất với sự thắng thế của phe Đức, Ý, Nhật, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA của chính phủ liên bang Mỹ ra đời ngày 1 tháng Hai năm 1942 với giám đốc đầu tiên là tiến sỹ Walter Roberts (năm nay đã 95 tuổi) chỉ mấy tuần lễ sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, chương trình phát thanh sóng ngắn bằng tiếng Đức của đài được bắt đầu bằng lời giới thiệu “ Đây là Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.” Và tiếp theo là những lời cam kết: ”Có thể là tin vui. Có thể là tin buồn. Chúng tôi sẽ tường trình trung thực đến quí thính giả.”
Qua 70 năm hoạt động, giờ đây VOA tiếp tục là một đài quốc tế với số khán thính giả và độc giả hàng tuần 141 triệu qua chương trình của 43 ngôn ngữ bằng những phương tiện truyền thông đa dạng. VOA gửi đến thính giả, khán giả, độc giả những tin tức trung thực, các bài tường trình quân bình và các bài viết, các chuyên mục chứa đựng những thông tin hữu ích, nhắm tới các quốc gia vẫn còn thiếu hệ thống thông tin độc lập, vững mạnh.
Căn cứ vào hiến chương thành lập đài VOA, các chương trình phát thanh, truyền hình, bài viết của đài phải dựa trên những nguyên tắc như chính xác, vô tư và đầy đủ, đại diện cho tất cả những thành phần trong xã hội Mỹ và trình bày một quan điểm toàn diện, cân bằng của những tư tưởng và định chế cuả Hoa Kỳ và trình bày rõ rệt chính sách của Hoa Kỳ.
Chào mừng sinh nhật thứ 70 của đài VOA, tổng thống Obama gửi đến đài VOA một thông điệp:
”Từ rất lâu trước khi chúng ta nói đến sức mạnh của “ngoại giao quần chúng” quí vị đã nhận lãnh sứ mạng giúp nước Mỹ thông tin liên lạc với thế giới, để trình bày đặc tính đích thực của quốc gia chúng ta cùng những lý tưởng và những tự do mà chúng ta tôn vinh. Trước sự kiểm duyệt của các chính phủ nước ngoài, quí vị cung cấp những tin tức chính xác và khách quan. Trước những chế độ khước từ những quyền phổ quát, quí vị bênh vực tự do và dân chủ. Có những lúc công việc của quí vị đi kèm theo với vô vàn hiểm nguy, và hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến những người trong gia đình VOA đã hy sinh mạng sống cho sứ mạng. Thực vậy, có những chính phủ khác có thể cố gắng ngăn chặn làn sóng của quí vị hay tìm cách làm quí vị im tiếng, nhưng họ không thể chặn những thông điệp của chúng ta. Cho dù đó là những gia đình bị kẹt sau bức màn sắt, hay các sinh viên tìm cách liên lạc thông tin sau bức màn điện tử, những người bất đồng chính kiến bị mật vụ sách nhiễu, hay những người trẻ tuần hành đòi nhân phẩm và cơ hội mà họ xứng đáng được hưởng, quí vị chính là tiếng nói nhắc nhở họ rằng “các bạn không cô đơn, và có một nơi gọi là nước Mỹ sát cánh với các bạn.”
Cũng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ của Miến Điện, khôi nguyên giải hòa bình Aung San Suu Kyi gửi đến một thông điệp video, cho biết bà cảm thấy dịp này như sinh nhật của một người bạn:
“Vì VOA và những đài phát thanh khác là những người bạn đồng hành trong những năm dài tôi bị quản thúc tại gia.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng chúc mừng đài bằng một thông điệp. Ngài nhắc đến những ngày vượt thoát khỏi Tây Tạng năm 1959 vì cuộc chiếm đóng của Trung Quốc, người lo giữ an ninh cho ngài tìm biết thông tin ở bên ngoài hằng ngày qua đài VOA. Ngỏ lời chúc mừng, đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
”Điều không may là kiểm duyệt và bóp méo tin tức lại đầy rẫy ở một số nơi trên thế giới, vì lý do đó, những tổ chức truyền thông như VOA vô cùng quan yếu trong việc cung cấp thông tin đầy đủ và vô tư.”
Ngài hy vọng là VOA sẽ tiếp tục lớn mạnh.
Lên tiếng nhân dịp này, giám đốc David Ensor của đài cho biết cơ quan truyền thông VOA dang ráo riết tiến tới với những chương trình mới để bảo đảm rằng VOA vẫn là một “đường dây cứu sinh cho những người phải sống trong những xã hội khép kín như Iran.”
Ông trưng dẫn một chương trình truyền hình tin tức cho Miến Điện mới bắt đầu vào tháng Giêng năm nay, một blog video được hơn 7 triệu lượt người xem tại Trung Quốc, các chương trình nhắm tới Iran được mở rộng, và những chương trình mới về sức khỏe cho phát thanh về châu Phi, và chương trình truyền hình bằng tiếng Nga đang được dự tính để sử dụng các chương trình mạng xã hội được quần chúng ủng hộ hầu tạo cơ hội cho các ký giả công dân và cử tọa trở thành một phần chính của chương trình.
Riêng chương trình trên làn sóng phát thanh của đài VOA vẫn rất được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Giám đốc Ensor của đài cho biết cho đến bây giờ đài VOA vẫn phù hợp với tình thế như trong thời Thế Chiến Thứ Hai hay thời chiến tranh lạnh.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, đài cũng tưởng niệm một số ký giả của đài đã thiệt mạng khi thi hành sứ mạng, gần đây nhất là vụ một thông tín viên làm việc cho VOA thiệt mạng vì tay Taliban tại Pakistan.
Tổng cộng có hơn 1.100 nhân viên làm ở trụ sở Washington, ngoài ra đài còn có những ký giả cộng tác ở khắp nơi trên thế giới, trong những khu vực đầy biến động.