Với chủ đề, ‘Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực’, 10 bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN sẽ cùng ngồi vào bàn thảo luận các vấn đề cùng quan tâm với người đồng nhiệm của tám nước đối tác gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Australia và New Zealand.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá với VOA Việt Ngữ rằng ‘đây là một cuộc họp quan trọng’.
Ông nói: ‘Đây là lần đầu tiên ASEAN gặp gỡ thảo luận với tám quốc gia đối thoại ở cấp bộ trưởng quốc phòng. Ngoài ra, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh vấn đề biển Đông và an ninh biển đang là đề tài chú ý. Việt Nam đã thành công khi nhận được sự đồng ý tham gia của các bộ trưởng quốc phòng của tất cả các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc’.
Tin cho hay, tháng trước, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã sang Hoa Kỳ mà theo báo chí trong nước đưa tin, là để ‘tham vấn về hội nghị ADMM+8’.
Sau chuyến đi, ông Vịnh được báo chí trong nước trích lời nói rằng Hoa Kỳ ‘ủng hộ ở mức cao đối với hội nghị mở rộng này’.
Theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer, ông Vịnh đã tới một số nước để trao đổi ‘về chuyện vấn đề nào sẽ được đưa vào tuyên bố chung’.
Nhà nghiên cứu này nói: ‘Rõ ràng là có những khác biệt về quan điểm. Trung Quốc không muốn đưa vào vấn đề biển đảo. Theo tôi, họ đã đạt được một thỏa thuận rằng các nước tham dự có thể nêu lên bất kỳ điều gì họ muốn, nhưng họ sẽ chỉ nói một cách chung chung. Nếu nhìn vào các nước tham gia, nếu một bên là Trung Quốc và phía kia là các nước như Hoa Kỳ cùng các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Nam Triều Tiên hay Australia, và thêm cả New Zealand, Ấn Độ và Nga nữa, thì Trung Quốc dường như bị lép vế’.
Mới đây, khi được hỏi vấn đề biển Đông liệu có nằm trong nghị trình của Hội nghị ADMM+8 lần này hay không, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói: ‘Vấn đề Biển Đông là vấn đề nóng được sự quan tâm của các giới, các nước, đặc biệt là các nước có liên quan lợi ích ở khu vực này’.
Tuy nhiên, ông Vịnh nói rằng ‘diễn đàn ADMM mở rộng giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề an ninh biển. Trong an ninh biển có vấn đề Biển Đông. Trong vấn đề Biển Đông lại có vấn đề cụ thể như tự do thương mại, tự do hàng hải, chủ quyền’.
Trong khi đó, theo báo chí Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này mới lên tiếng bác bỏ đồn đoán về việc hội nghị lần này sẽ thảo luận vấn đề biển Đông.
Bộ này nhấn mạnh ‘đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, hay có thể được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ ASEAN+8’.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Geoff Morrell nói rằng ‘diễn đàn lần đầu tiên này sẽ tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo quốc phòng khu vực chính thức gặp nhau để thiết lập một cuộc đối thoại an ninh khu vực ở cấp bộ trưởng’.
Ông Morrell nói hôm 5/6 rằng ‘các cuộc trao đổi quan điểm thường xuyên hơn sẽ giúp xây dựng lòng tin và sự minh bạch ở khu vực. Điều này quan trọng khi các nước tiếp tục tăng cường khả năng quân sự mới và tối tân hơn’.
Tin tức nhà nước Trung Quốc cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Lương Quang Liệt, sẽ gặp người đồng nhiệm Hoa Kỳ, Robert Gates, bên lề ADMM+8.
Giáo sư Carl Thayer nói với VOA Việt Ngữ rằng, hội nghị mở rộng là một cơ cấu ‘đối thoại quốc phòng mới và khác so với những diễn đàn trước đây’: ‘Cho tới gần đây, vấn đề an ninh mới chỉ được nêu lên tại Diễn đàn An ninh Khu vực hay qua các cuộc đàm phán an ninh giữa từng nước ASEAN với các nước đối tác quốc tế. ADMM+8 là một diễn đàn mới và quan trọng. Nhưng với mong muốn lôi kéo tất cả các nước liên quan cùng ngồi vào bàn thảo luận, tôi nghĩ không nên trông chờ mọi chuyện có thể giải quyết được ngay trong nay mai. Bước đi đầu tiên này quan trọng nhằm bảo đảm rằng Trung Quốc không cảm thấy bị cô lập và tiếp tục tham gia tiến trình thảo luận. Bản thân Hoa Kỳ lần này cũng quyết định tham dự và muốn trao đổi với phía Trung Quốc về vấn đề hợp tác quốc phòng'.
Ông nói thêm: 'ADMM+8 là một cơ cấu quan trọng vì Diễn đàn An ninh Khu vực là nơi các ngoại trưởng bàn về an ninh, nhưng thực ra, người có tiếng nói về vấn đề này lại là các bộ trưởng quốc phòng. Trong khi đó, cuộc đối thoại Shangri-La ở Singapore vốn bị đánh giá là không chính thức, Trung Quốc không cử Bộ trưởng Quốc phòng tới vì cho rằng đó là một cuộc trình diễn với sự thống trị của Hoa Kỳ, nhưng họ lại xuất hiện lần này tại ADMM+8’.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi tháng Năm vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh được trích lời nói rằng, ‘an ninh khu vực ASEAN gắn liền với an ninh châu Á - Thái Bình Dương cũng như an ninh toàn cầu’ nên ‘hợp tác quốc phòng - an ninh giữa ASEAN với các đối tác, đối thoại đầy đủ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng’.
Về tuyên bố chung tại hội nghị này, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam nói rằng nhiều khả năng các bên sẽ ‘thiết lập một hay các nhóm làm việc để vạch ra hành động, tuyên bố về tầm nhìn trong tương lai cũng như chương trình họ sẽ thực hiện’.
Ông nói: ‘Theo tôi, tuyên bố từ cuộc gặp đầu tiên này sẽ chỉ mang tính chung chung về việc thúc đẩy hợp tác an ninh, nhưng trong cuộc họp, tôi nghĩ họ sẽ nêu ra các vấn đề họ quan ngại. Hành động của Trung Quốc ở vùng biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa có lẽ sẽ được các bên tham gia hội nghị đề cập tới’.
Trả lời VOA Việt Ngữ gần đây, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher nói rằng an ninh biển là một trong bốn ưu tiên trong mối quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố về ‘quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ’ trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông.
Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.