Tổng thống Obama cùng với các nhà lãnh đạo khác của gần 100 quốc gia trên thế giới đã tham dự những phiên họp cuối của Hội nghị về Khí hậu Biến đổi do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Copenhagen. Trong lúc hội nghị đã gần kết thúc, người ta chưa thấy được những đề nghị dung hòa mới và cuộc thảo luận chuyển sang vấn đề hình thành một cam kết chính trị với những chi tiết của các biện pháp sẽ được để lại cho các cuộc thương thuyết trong tương lai. Thông tín viên Sonja Pace của đài từ Cophenhagen tường trình như sau.
Lên tiếng trước các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại Hội nghị Copenhagen, Tổng thống Obama khuyến nghị họ hãy gạt sang một bên những dị biệt và đồng ý về một kế hoạch hành động
Ông nói: "Sau nhiều tháng thảo luận, sau hai tuần thương thuyết, và sau không biết bao nhiêu các buổi họp bên lề, các cuộc họp song phương, không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ các nhà thương thuyết đã cùng đàm luận, tôi tin rằng những điều khoản của bản hiệp ước giờ đây hẳn đã rõ ràng."
Hoa Kỳ đã đưa ra một kế hoạch bao gồm hành động dứt khoát của các quốc gia nhắm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những tiêu chuẩn minh bạch để kiểm chứng sự tuân thủ và tài trợ cho những nước nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để giúp họ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Obama không đưa ra đề nghị gì mới so với những gì đã được trình bày tại hội nghị, gồm sự cam kết của Hoa Kỳ giảm mức khí thải tới 17% từ nay tới năm 2020 là hạn chót, và hơn 80% tới năm 2050, và một cam kết làm việc với các nước khác để vận động thiết lập một ngân quỹ 100 tỉ đôla mỗi năm từ nay đến năm 2020 hầu giúp cho những quốc gia đang phát triển.
Tổng thống Obama thừa nhận rằng kế hoạch này sẽ không làm hài lòng được tất cả mọi người, nhưng nó là một hành động theo chiều hứơng đúng.
Ông cho biết: "Chúng ta có thể sử dụng hiệp định này, để tiến xa thêm một bước nữa về phía trước, tiếp tục nhuận sắc nó và xây dựng thêm từ nền tảng này."
Không có ngay một chỉ dấu nào khác vào lúc này cho thấy đã có thêm những thỏa hiệp, kể cả Trung Quốc trong vấn đề cho phép nước ngoài theo dõi mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ. Vấn đề này đã khiến Trung Quốc bất đồng với Hoa Kỳ tại bàn hội nghị.
Trong lúc bước lên diễn đàn, nhiều nhà lãnh đạo khác của thế giới tập trung vào những biện pháp mà chính phhủ của họ đã thực hiện để chống lại với tình trạng biến đổi khí hậu và nhấn mạnh về sự cam kết của họ tiếp tục những nỗ lực đó.
Một số bày tỏ sự thất vọng vì hội nghị đã không đạt được thêm thành quả nào khác. Trong số này có Thủ tướng Pakalitha Mosisilli của Lesotho, đã lên tiếng nhân danh những quốc gia kém phát triển nhất.
Thủ tướng Mosisilli cho biết: "Nói rằng chúng ta thất vọng thực ra còn chưa diễn tả đủ hết đâu, nhất là sau 24 tháng ráo riết thương thuyết và thảo luận liên miên về hội nghị này, vậy mà chúng ta đã không thể đạt được một hiệp ước có tính cách cưỡng chế về mặt pháp lý."
Sau phiên họp đầu của ngày cuối, cơ may cho các cuộc thảo luận vẫn còn có thể có trong các phiên họp chiều.
Hầu như mọi người đều ngờ vực rằng hội nghị này khó có thể đáp ứng những hy vọng của những ai muốn có một hiệp ước toàn cầu để tiếp nối nghị định thư Kyoto. Những nhân vật phó hội tại đây càng lúc càng bàn tán về một thỏa thuận khung về chính trị, ngầm thừa nhận là cần phải có thêm nhiều cuộc thương thuyết nữa để vượt ra khỏi tình trạng hiện nay.
<!-- IMAGE -->