Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo rằng các nước giàu và các nước đang phát triển đã đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa tại hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu biến đổi. Loan báo đưa ra trong những giờ cuối của 2 tuần lễ thương thảo gay go, tuy nhiên kết quả còn kém xa những gì dư luận hy vọng trước đây. Từ thủ đô Đan Mạch thông tín viên đài VOA Sonja Pace gửi về bài tường thuật:
Thỏa thuận đạt được vào chiều tối thứ sáu, sau một ngày thương thảo đầy căng thẳng.
Tổng thống Obama loan báo về bước khai thông chưa từng có và đầy ý nghĩa này.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử tất cả các nền kinh tế hàng đầu đã cùng họp lại để đảm nhận trách nhiệm hành động đối phó với mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu.”
Các cuộc thương thảo đã có lúc khựng lại vì những khác biệt quan điểm giữa các đại biểu về nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, công tác kiểm chứng và vấn đề tài trợ.
Tổng thống Obama nói rằng những điểm đó là trọng điểm của các cuộc thảo luận.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng tôi đã làm việc suốt ngày với nhiều nước để tạo sự đồng thuận mới, xoay quanh 3 điểm đó, một sự đồng thuận sẽ dùng làm cơ sở cho các hoạt động toàn cầu nhằm đối phó với mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu, trong những năm tới.”
Thỏa thuận yêu cầu các nước liệt kê các hoạt động mà họ sẽ tiến hành nhằm cắt giảm khí thải bằng một số lượng cụ thể và cho phép kiểm chứng.
Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định rằng đây là bước đầu tốt đẹp, tuy nhiên ông nói rằng cần phải có một hiệp định có tính cách ràng buộc pháp lý tiếp theo sau.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng gọi đây là bước đầu và kêu gọi nhanh chóng hành động hơn nữa.
Tổng thống Obama thừa nhận điều đó, ông nói rằng tiến bộ này đã không dễ dàng đạt được.
Tổng thống Mỹ nói: “Trong tương lai chúng ta sẽ phải xây dựng trên động năng mà chúng ta đã thiết lập được ở Copenhagen để bảo đảm các hoạt động quốc tế nhằm giảm đáng kể lượng khí thải được bền vững và đầy đủ. Chúng ta đã tiến một bước dài nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa.”
Thỏa thuận vẫn còn kém xa những gì mà các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và các quốc gia đang pháp triển yêu cầu. Họ muốn có một hiệp định có tính cách ràng buộc pháp lý với những cam kết cụ thể hơn nữa.
Một số tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích thỏa thuận này. Ông Kim Carstensen thuộc tổ chức Quĩ Đời sống Hoang dã Thế giới nói rằng thỏa thuận Copenhagen không có tính cách ràng buộc, không công bằng và không đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển.
Ông Carstensen nói: “Thỏa thuận được dự tính bởi một số quốc gia lớn trong phòng kín, không có sự minh bạch nào, không có bất cứ sự tham gia nào của các tổ chức xã hội nào tại hội nghị, và cũng không có sự tham gia nhiều của các nước dễ bị tác động vì khí hậu biến đổi.”
Các cuộc thảo luận về khí hậu sẽ còn tiếp tục. Đức sẽ tổ chức một cuộc họp về vấn đề này trong những tháng sắp tới đây, và một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu biến đổi cũng được dự kiến tổ chức ở Mexico trong năm tới.
<!-- IMAGE -->