Hạ viện Hoa Kỳ

Hạ viện Hoa Kỳ

<!-- IMAGE -->

Lúc tôi mới bắt đầu viết blog cho đài VOA thì một trong những bài viết đầu tiên của tôi là về Thượng Viện Hoa Kỳ, nơi tôi đã từng ra vào rất nhiều lần nhất cách đây vài năm khi tôi lần đầu tiên đến Washington DC để vận động cho nhóm thuyền nhân Việt Nam vô tổ quốc (cũng lại vô tổ quốc!) lúc ấy vẫn còn bị kẹt ở Phi Luật Tân chưa nước nào muốn nhận.

Nhưng thật sự mà nói thì nơi đầu tiên tôi đến để vận động không phải là Thượng Viện mà là Hạ Viện Hoa Kỳ. Tuy nó chỉ nằm ở phía bên kia của Tòa Nhà Quốc Hội, The Capitol, nhưng nếu có dịp ghé thăm để xem ngắm cũng như tìm hiểu, bạn sẽ được cho biết là có khá nhiều khác biệt giữa hai tòa nhà lập pháp này.

Khác biệt từ kiến trúc cho đến cách làm việc. Từ môi trường sinh hoạt cho đến con số của những ông chủ cho mỗi bên.

Nếu như bên Thượng Viện Hoa Kỳ chỉ có đúng 100 thượng nghị sĩ – mỗi tiểu bang chỉ được đề cử 2 người bất kể dân số của tiểu bang – thì ngược lại ở Hạ Viện Hoa Kỳ có đến 435 người dân biểu đại diện cho một con số cử tri nhất định trong vùng mà họ được phân chia tùy vào mật độ dân số.

Vì thế những tiểu bang đông dân như California luôn có nhiều dân biểu được gửi về Washington DC hơn những tiểu bang nhỏ, thưa người như Rhode Island hoặc Hawaii.

Cũng vì thế nên mỗi khi bạn bước vào hai tòa nhà lập pháp này là bạn sẽ cảm nhận được ngay sự khác biệt. Mặc dù như đã từng được ghi lại trước đây là ai cũng có quyền bước vào hai khu vực này để tận mắt nhìn thấy cách làm việc của từng văn phòng dân cử, tuy vậy Thượng Viện thường luôn có vẻ nghiêm trang, vắng lặng và… kênh kiệu hơn bên Hạ Viện. Hình như ở đời điều gì hiếm hơn thì thường lại được quý hơn (và cũng vì vậy dễ bị ‘chảnh’ hơn), có phải không?

Điều này xảy ra có lẽ cũng vì bên Thượng Viện mỗi nhiệm kỳ kéo dài đến 6 năm trong khi đó bên Hạ Viện, tất cả các dân biểu đều phải ra tranh cử lại hai năm một lần. Bởi vậy công bằng mà nói chính nhờ vào điều lệ này mà tôi thấy các vị dân biểu thường lắng nghe tiếng nói của người dân hơn là các thượng nghị sĩ. Họ sẵn sàng trực tiếp lắng nghe, tiếp xúc với cử tri của họ. Sẵn lòng vui vẻ chụp hình nếu được yêu cầu. Và luôn cố gắng thực hiện những ý nguyện mà cử tri của họ quan tâm.

Như một người mà tôi đã vừa có dịp phỏng vấn trong tuần này. Ngay tại văn phòng của ông trong tòa nhà Rayburn to đẹp. Tuy tôi đã có dịp vào đây rất nhiều lần trong quá khứ nhưng đây là lần đầu tiên tôi bước vào với cảm giác rất đặc biệt, rất hãnh diện là một người Việt Nam.

Hẹp gặp bạn lại trong bài blog tới tôi sẽ cho bạn biết tại sao!