Nghĩ cũng lạ. Cuối cùng chỉ là chữ với nghĩa thế mà có rất nhiều người cho là phải gọi như thế này theo họ mới là đúng, mới là phải. Còn nếu như có người gọi cách khác, dùng từ khác thì coi như sai hoàn toàn. Hoặc tệ hơn bị cho là không hiểu đúng nghĩa, đã bị mất gốc. Không thể nào có chuyện đó được.
Như tựa đề của blog này chẳng hạn. Còn nhớ có một lần tôi viết một bài báo tường trình về hoàn cảnh của những người Việt tỵ nạn vô tổ quốc hiện vẫn còn đang bị kẹt tại Thái Lan mà tôi đã dịch ra từ tiếng Anh là ‘Stateless Vietnamese refugees stranded in Thailand’. Có ít nhất một độc giả đã viết thư riêng cho tôi bảo là không thể nào có thể có chuyện ‘người Việt vô tổ quốc’.
Đã gọi là người Việt thì tổ quốc phải là Việt Nam. Những người tỵ nạn từng bị kẹt ở Phi Luật Tân hay hiện tại ở Thái Lan chỉ là những người Việt không có quyền cư trú, không có tư cách pháp nhân. Chứ ai cũng có tổ quốc cả. Và đó là tổ quốc Việt Nam. Ông còn cảnh cáo tôi rằng là người của công chúng, bút sa là gà chết, nên tôi không thể nào để mình phạm những lỗi lầm như vậy được.
À. Thật vậy sao? Nếu nói theo ông thì trên 3 triệu người Việt đang sinh sống trên khắp thế giới kể cả những người Việt tỵ nạn ‘không có tư cách pháp nhân’ nơi họ đang sinh sống đều có cùng một tổ quốc Việt Nam, không ai khác ai. Hoặc có thể có cảm giác khác hơn…cảm giác của ông.
Khi tôi nhận được những lá thư như thế này thì điều đầu tiên tôi nghĩ là thật khó mà có thể tưởng tượng được tại sao trên cõi đời này lại có những người quá tự tin với sự hiểu biết của họ như vậy. Trong 12 năm vừa qua tôi cũng đã gặp khá nhiều những người Việt tỵ nạn ở Philippines và Thái Lan đấy chứ. Nhưng thật chẳng bao giờ tôi dám phán ra một câu chắc nịch như thế. Bởi chưa chắc người Việt tỵ nạn nào cũng đồng ý cho là tổ quốc của họ là Việt Nam.
Tùy hoàn cảnh gia đình, nơi sinh, kinh nghiệm (thường là đau thương!) của bản thân và nhất là cảm giác của chính người trong cuộc, có thể cho đến nay họ cho tổ quốc của họ vẫn là Việt Nam. Nhưng cũng có thể họ cho đất nước nơi họ chọn làm quê hương thứ hai là tổ quốc của họ. Mặc dù gốc của họ vẫn là Việt Nam chưa hề muốn chối bỏ.
Đấy là tôi chưa kể đến những em nhỏ sinh ra ở xứ người nhưng ‘không có quyền cư trú’ như ba mẹ Việt Nam của chúng ở Philippines. Hay là con của cha Việt, mẹ Philippines. Hoặc tệ hơn là không được cấp cả giấy khai sinh nếu như cha mẹ là người Việt tỵ nạn đang bị kẹt tại Thái Lan sau gần 20 năm kể từ ngày xa xứ.
Nếu họ và con cái của họ không phải là những người Việt tỵ nạn vô tổ quốc thì họ là gì? Việt Nam không thừa nhận họ. Hoặc nếu được thừa nhận, họ cũng không muốn quay về chỉ để có tổ quốc. Nơi họ đang tạm trú chưa bao giờ muốn cưu mang họ. Và cho đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào đồng ý cho phép họ sang định cư gầy dựng lại cuộc đời.
Đối với tôi điều ấy đủ để cho tôi dùng chữ vô tổ quốc (stateless) để miêu tả họ. Những người Việt tỵ nạn theo đúng nghĩa của nó trên phương diện pháp lý. Riêng về ý nghĩa sâu xa liên quan đến bản sắc và ý niệm của mỗi người về hai chữ ‘tổ quốc’, tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên để chính người trong cuộc xác định. Vì chưa chắc bạn đã đồng ý với tôi.
Và ngược lại.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1