<!-- IMAGE -->
Hôm nay tôi bước vào Tòa Nhà Rayburn của Hạ Viện Hoa Kỳ mà lòng cảm thấy bình an, nhẹ nhàng xen lẫn hãnh diện, không như những lần khác. Tôi không hồi hộp, lo lắng vì đây là lần đầu tiên tôi bước vào nơi này mà không phải để xin xỏ cho bất cứ vấn đề gì.
Và tôi cảm thấy hãnh diện vì đây cũng là lần đầu tiên tôi bước tòa nhà này, nơi được mọi người biết đến là có nhiều quyền lực nhất nước (nếu không muốn nói là trên cả thế giới) để…gặp một người Việt Nam. Có tên Việt như mình. Có cùng một hoàn cảnh cũng là một người Việt tỵ nạn giống mình. Và nghe nói đâu ông ta cũng là một luật sư từng hoạt động trong các công tác thiện nguyện xã hội giúp đỡ những người nghèo khó. Có khác chăng là ngay tại nơi này ông là một trong những nhà lập pháp được biết đến nhiều nhất – kể cả đương kim Tổng Thống Obama cũng phải nhớ mặt, biết tên – còn tôi thì chỉ là một anh reporter xin được vào để làm một phóng sự ngắn về người dân biểu liên bang Mỹ đầu tiên và duy nhất trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Sau khi lấy hẹn được với ông thông qua cô Giám Đốc Truyền Thông (Communications Director) đang làm việc tại văn phòng ông ở Washington DC, tôi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là tôi chỉ có nhiều nhất là nửa giờ đồng hồ để phỏng vấn ông. Thời gian này bao gồm cả thời gian mà tôi và người cameraman cần phải có để sắp xếp ánh sáng, góc cạnh và máy quay sao cho hình ảnh và âm thanh được tốt nhất. Thế mới chết. Nếu như vậy thì làm sao mà chúng tôi có đủ thời gian? Không chừng chưa kịp hỏi gì thì đã hết giờ. Hoặc tệ hơn là ông bị kêu lên Quốc Hội để có một buổi họp, bỏ phiếu bất thường nào đó và thế là chúng tôi đành phải xách tay không đi về mặc dù chưa thâu được tí ti hình ảnh nào cả.
Và đúng thế thật. Tuy tôi đã biết trước là mình cần phải tới sớm để làm được gì thì làm trong lúc chờ đợi nhưng khi tôi vừa đến nơi chưa kịp bước vào văn phòng của ông thì tôi đã thấy ông và một nhóm tùy tùng đi sau ông đang vội bước ra. Thoáng nhận ra là tôi có mặt cho buổi phỏng vấn đã được hẹn trước, ông gật đầu chào đưa tay ra bắt và ngay sau đó là cả nhóm cùng…biến mất.
Có thật vậy sao trời? Bình an, thanh thản đâu không thấy. Chỉ thấy lúc ấy tôi đã bắt đầu thấy lo. Ông đi như vậy thì khi nào ông mới quay trở lại? Lỡ nó quá giờ thì tôi có còn nửa tiếng để phỏng vấn ông không? Hay là văn phòng ông đã sắp xếp cho ông có những cuộc hẹn khác và thế là đành phải thất hứa với chương trình mà chúng tôi đang cố thực hiện. Lúc này trời lại đã vào đông, quay qua quay lại thấy phố đã lên đèn. Thế thì làm sao mà chúng tôi có thể quay cảnh ông đang đi bên ngoài từ phòng họp này sang phòng họp khác.
Ngồi đợi mãi cho đến khi tôi được cô Giám Đốc Thông Tin bảo là ông sẽ trở lại trong chốc lát thì tôi mới cảm thấy được an tâm đôi chút. Giờ qua giờ. Phút lại phút. Nhìn lên đồng hồ thấy chỉ còn 10 phút nữa thôi là ông phải tiếp tục đi tham dự một buổi họp khác tôi thầm nghĩ lần này chắc là tôi sẽ không có dịp phỏng vấn ông dân biểu.
Nhưng bỗng nhiên ông xuất hiện miệng luôn mở lời xin lỗi là đã để cho mọi người chờ đợi vì đã không biết trước được về những buổi họp bất thường trong buổi chiều hôm nay. Ông bảo với tôi nếu như chúng tôi có thể chờ đến khoảng sau 5 giờ khi buổi họp cuối cùng trong ngày chấm dứt thì ông sẽ có nhiều thời gian dành cho tôi phỏng vấn hơn.
‘That’s OK anh’, tôi trả lời ngay sau khi nghe lời đề nghị. Bận thì ai cũng bận. Nhưng nếu phải ngồi đợi thêm một hai tiếng nữa để làm được việc thì tôi luôn sẵn sàng.
Nhất là sau khi nghe anh nói chuyện với tôi trực tiếp bằng tiếng Việt. Ngay bên trong Hạ Viện Hoa Kỳ. Cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Không còn gì nghe sướng hai cái lỗ tai bằng bạn ạ!
<!-- IMAGE -->
Và sau gần 4 giờ có thể gọi là chờ đợi trong mỏi mòn, cuối cùng tôi cũng đã có dịp ngồi xuống cùng anh (hay là ông?) để trò chuyện về công việc cũng như cuộc sống của anh kể từ ngày anh được chính thức tuyên thệ là dân biểu đại diện cho thành phố New Orleans tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Thật ra thì cũng nhờ anh bận phải đi họp bất thường mà tôi đã tìm ra thêm được đôi chút về hoàn cảnh cá nhân của gia đình anh nhờ vào sự có mặt cũng khá… bất thường của vợ anh là chị Hiếu. Chị dắt hai đứa con gái của anh chị, một bé 6 tuổi, một bé 5 tuổi lên DC để tham dự buổi tiệc giáng sinh cuối năm ở Tòa Bạch Ốc do vợ chồng Tổng Thống Obama khoản đãi. Trong lúc chờ anh trở về chị bảo với tôi là vì công việc hàng ngày của chị ở New Orleans cũng bận rộn (chị làm nghề pharmacist) nên cũng ít khi chị có dịp lên Washington DC thăm chồng. Cũng gần 10 tháng rồi chị mới trở lại thủ đô.
Thế thì khi nào anh chị gặp nhau? Tôi hỏi.
Cứ mỗi cuối tuần thì anh ấy lại bay về dưới ấy. Chị trả lời với giọng miền Bắc khá chuẩn.
Như vậy thì coi như cả tuần chị phải một mình tự lo cho hai đứa nhỏ?
Đúng vậy, chị bảo. Làm dân biểu coi vậy chứ cực lắm em ơi. Làm vợ còn cực hơn vì ngoài chuyện gia đình, mỗi cuối tuần khi anh ấy về mình còn phải phụ anh ấy đi thăm dân chúng, hội họp, vận động tranh cử trong khu vực, vân vân. Đấy là chưa kể đến việc mình phải bắt đầu dự tính gây quỹ cho lần ra tranh cử kế tiếp của anh.
Vì cũng như mọi người đã biết cứ hai năm là phải ra tranh cử lại một lần. Tranh cử sơ bộ trong đảng trước. Và sau đó là tranh cử cho ghế dân biểu của vùng. Mỗi lần tranh cử tốn rất nhiều tiền. Mà mình là dân tỵ nạn nên nếu như không gây quỹ kiếm tiền thì không tài nào tranh lại với những đại gia đình quý tộc có nhiều tiền lẫn tiếng trong xã hội Mỹ.
Khi anh trở lại văn phòng để cùng tôi trò chuyện, tôi cũng đã hỏi lại anh câu này là nếu như thấy quá mệt, quá khó khăn như vậy thì điều gì làm cho anh cảm thấy vui nhất, thỏa mãn nhất trong vai trò mà anh đang đảm nhiệm?
Suy nghĩ một lúc sau anh mới trả lời. Lý do lớn nhất anh bảo có lẽ là vì mình thấy là mình thay đổi được các chính sách ngay từ bên trong và nhờ đấy có những đóng góp thiết thực vào những sự thay đổi trong xã hội mà mình muốn thực hiện. Giúp được người dân một cách đầy đủ, trực tiếp và nhanh chóng hơn.
Thế thì điều gì đối với anh là khó khăn nhất, anh phải hy sinh nhiều nhất?
Hình như đối với câu hỏi này anh đã có sẵn câu trả lời cho chính anh nên không cần suy nghĩ anh đã đáp ngay đó là cả tuần phải sống xa gia đình và con cái đang trong tuổi cần sự có mặt thường xuyên của cha mẹ. Nhưng vừa dứt lời anh đã nói tiếp: hai chữ hy sinh thật ra thì nó cũng chỉ mang một ý nghĩa tương đối nào đó mà thôi vì ở đời ‘được cái này thì mất cái kia’, không thể nào có thể đạt được sự vẹn toàn cả. Anh đã chọn con đường phục vụ công chúng (public service) và biết là mình thích làm công việc này từ những năm anh còn tu trong dòng Jesuits nên tự biết đây là cái giá mà mình phải trả.
Đối với riêng anh, anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho tôi biết, cái ghế dân biểu mà anh đang được chọn để ngồi vào không phải của riêng anh mà là cái ghế chung của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nơi anh có thể trực tiếp lắng nghe và lên tiếng đối với những vấn đề mà cộng đồng chúng ta đặc biệt quan tâm. Như công cuộc tranh đấu cho Việt Nam sớm được tự do và dân chủ hơn.
Còn nhiều điều khác mà tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh. Từ chuyện anh là dân biểu của Đảng Cộng Hòa duy nhất bỏ phiếu thuận trong dự luật cải tổ y tế vừa được thông qua ở Hạ Viện cho đến việc gia đình anh hầu như đã bị mất hết tất cả trong trận bão Katrina kể cả những tấm hình chụp kỷ niệm ngày anh chị làm lễ cưới và tất cả những quyển sách cũ, quý mà anh đã khổ công tìm kiếm và cất giữ từ bấy lâu nay.
Trước khi ra về tôi đã cùng với 2 người phụ tá trong văn phòng rảo bước cùng gia đình anh ra khu công viên ngay trước thềm tòa nhà Quốc Hội bên ngoài để anh có thể cùng gia đình chụp một số hình ảnh lưu niệm trước cây thông già vừa được thắp sáng.
Nhìn dáng người khá nhỏ bé của cặp vợ chồng trẻ Việt Nam đang tươi cười trước ống kính cùng với các nhân viên trong văn phòng trong một đêm đông của một ngày cuối năm, tôi chợt nghĩ đây đúng là một hình ảnh trong hàng ngàn hình ảnh của những gia đình Việt Nam thành công ở xứ người. Họ đã phải trải qua nhiều khó nhọc mới có được ngày hôm nay. Họ đã tự tạo cho mình một chổ đứng mà không phải ai cũng tạo được.
Thật ra không hẳn chỉ có dân tộc Việt Nam mới làm được. Nhưng chắc chắn rằng nhờ vào sự thành công này mà Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng không có gì mà chúng ta không đạt được. Nếu chúng ta có cố gắng.