Hôm thứ Ba 8/7/2008 tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các Học giả
tại Washington DC, phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái
Bình Dương, ông Scot Marciel, đã trình bày về đề tài 'Sự tham gia của
Hoa Kỳ vào vùng Đông Nam Á'. Nhân dịp này, phóng viên Lê Dân đã hỏi ông
thêm về một số việc liên quan đến Việt Nam.
Ông Scot Marciel là
một nhà ngoại giao lão luyện, đảm nhận nhiều trọng trách Việt Nam, Hồng
Kông, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, ngoài chức vụ phó trợ lý Ngoại
trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Nam Á-Thái Bình Dương, ông còn là đại sứ
Mỹ tại ASEAN.
Trước hết, ông tóm lược mối quan hệ của ông với Việt Nam.
Ông
Marciel nói: "Như tôi đã nói trước đây, chúng ta không có quan hệ ngoại
giao cụ thể nào cho tới đầu những năm 90. Tôi đến Hà Nội vào năm 1993
và mở văn phòng đầu tiên của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chúng ta thiết lập
quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và từ đó tiến rất nhanh. Chúng tôi khởi
sự với những gì mà nay nhiều người không biết tới. Chúng tôi đã nói
chuyện với phía Việt Nam nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao từ cuối thập
niên 80 sang đầu thập niên 90, đặt căn bản trên sự cộng tác trong hai
lãnh vực là tìm kiếm những binh sĩ Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến, và
phối hợp về chương trình ra đi trong trật tự ODP, để đưa người tỵ nạn
Việt Nam sang Hoa Kỳ."
VOA: Từ những bước khởi đầu đó, tới nay, và trong tương lai, thì quan hệ Mỹ-Việt sẽ mở rộng ra đến đâu nữa, thưa ông đại sứ?
Ông
Marciel nói: " Cực kỳ rộng. Khi Thủ tướng Dũng đến đây hồi mấy tuần
trước, ông đã cùng Tổng thống Bush thảo luận rất nhiều vấn đề, như về
tình trạng khí hậu thay đổi, hợp tác trong các lãnh vực giáo dục, y tế.
Ông đến Ngũ giác đài tiếp xúc với bộ trưởng Quốc phòng Robert
Gates...rồi cả bộ Nông nghiệp, bộ Nội vụ….Quan hệ song phương bây giờ
đã bao quát và đầy đủ, tôi có thể nói là rất tốt đẹp. Chỉ còn một điều
làm vướng bận mối quan hệ đó, là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam."
VOA: Xin ông nói rõ, là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam là vướng bận, hay tác hại, đến mối quan hệ hai nước?
Ông
Marciel nói: "Dưới cái nhìn của tôi thì bây giờ tại Việt Nam đã có
nhiều cởi mở hơn 10 hay 15 năm về trước cho cuộc sống của dân chúng,
không còn những mệnh lệnh của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại
những vấn đề nhân quyền đáng kể. Chúng tôi nhiều lần thẳng thắn nêu các
việc đó với phía Việt Nam, họ phản hồi, và chúng tôi đã có những cuộc
đối thoại hay. Đó là khía cạnh duy nhất của mối quan hệ còn thử thách,
nhưng nhìn chung thì quan hệ song phương diễn tiến tốt đẹp, rất tốt
đẹp, và là một trong những quan hệ tốt nhất của nước Mỹ."
VOA:
Nhân dịp này chúng tôi xin hỏi ông đại sứ nhận xét thế nào về sự quan
ngại Trung Quốc đang ra sức phát triển thế lực của họ trong vùng Đông
Nam Á ? Bắc Kinh có những dụng ý ra sao đối với vùng này?
Ông
Marciel nói: "Theo cảm nhận của tôi thì có nhiều dụng ý ở vùng Đông Nam
Á…Chắc chắn đó là về kinh tế, thương mại, an ninh….tôi có thể nói là
cũng như mọi quốc gia khác, họ muốn xây dựng quan hệ tốt, ảnh hưởng
tốt, để khi có những vấn đề liên quan đến chính sách, họ có nhiều hy
vọng được ủng hộ. Đương nhiên là cũng có những lúc quyền lợi của chúng
tôi không song hành với nhau, nhưng điều đó là tự nhiên. Nhưng như tôi
đã nói, là có những lúc có những khuynh hướng nêu lên sự bành trướng
ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á, sẽ khiến Hoa Kỳ mất
phần ảnh hưởng của mình. Tôi nghĩ đúng là Trung Quốc ngày càng tích cực
hơn khi trước, và kết quả là họ có nhiều ảnh hưởng hơn, nhưng tôi cũng
rất tự tin là các quốc gia Đông Nam Á hiểu rõ thế chiến lược và kinh tế
để giữ quân bình trong quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, Nhật Bản,
Australia, Nam Triều Tiên và nhiều nước khác. Do đó, chúng tôi không
thấy đó là nguồn gốc gây ra xung đột."