Vào khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc
độ chậm nhất kể từ 7 năm qua, nhiều tổ chức quốc tế đã quan tâm và đưa ra những
khuyến cáo về chính sách, trong đó, mới nhất là của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại
Việt Nam. Họ khuyến nghị chính phủ khoan tăng lãi suất cơ bản thêm nữa. Lê Dân
của đài VOA sẽ trình bày thêm sự việc và trao đổi thêm cùng với ông Ernie
Bower, cựu chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin tài chính Bloomberg tại Hà Nội hôm thứ
Năm, ông Michael Pease, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, nói rằng đã
thấy có dấu hiệu là những quyết định về mặt kinh tế tài chính của Chính phủ vừa
qua đã bắt đầu có tác động.
Ngân hàng Nhà nước trong năm nay đã 3 lần tăng lãi suất cho vay và siết chặt
tín dụng nhằm đối phó với nạn lạm phát mà trong tháng 6 đã tăng đến mức 26,8%.
Ông Michael Pease, chủ tịch AmCham, cũng là tổng giám đốc của Ford Motor
Vietnam, là hãng xe chiếm 20% thị phần xe hơi tại nước này. Ông dự đoán trong 6
tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam sẽ sút giảm nhanh chóng sau khi
lãi suất tăng, lạm phát cũng tăng, khiến doanh nghiệp phải chuyển gánh nặng gia
tăng đó sang vai giới tiêu thụ.
Trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết là việc
chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ngoài ra Việt Nam sẽ còn giảm
chi tiêu công.
Khi hiện diện tại Mỹ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến cùng ông Alan Greenspan,
cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, tức ngân hàng trung ương của Mỹ. Một
cuộc gặp gỡ được mô tả là để 'vấn kế' nhằm chữa chạy cho con bệnh kinh tế-tài
chính Việt Nam.
Ông Ernie Bower, cựu chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, và cũng là
một thành viên trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa ra nhận
xét.
Ông Bower nói: "Tình hình có vẻ như đang phản ánh những bước mà Việt Nam
tự áp dụng, hay nghe theo khuyến cáo của ông Alan Greenspan hoặc ai khác. Những
biện pháp họ ban hành là phù hợp với những đề nghị của các nhà tư vấn Hoa Kỳ
hay lãnh đạo doanh nghiệp."
Ông Alan Greenspan khuyến cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn chống lạm phát
đang ở vào mức cao nhất châu Á, thì nên áp dụng thêm nhiều biện pháp cứng rắn
hơn đối với 'nhóm các ông lớn' tức những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Đây là
các doanh nghiệp ít sinh lợi, mà được hưởng những khoản đầu tư khổng lồ và khả
năng vay mượn khá dễ dàng. Tình trạng đó nếu kéo dài, có thể tác hại qua lãnh
vực doanh nghiệp vừa-và-nhỏ, rồi lan ra cả nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh gia nước ngoài tại Việt Nam tuy có tỏ ý hoan nghênh những biện pháp
cứu vãn, chữa cháy của Ngân hàng Nhà nước, nhưng hầu hết cũng hết sức lo lắng
là các hành động đó có thể đi quá đà, gây hại nhiều hơn lợi.
Ông Michael Pease, chủ tịch AmCham Vietnam, kinh tế gia Noritaka Akamatsu của
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đều đưa ra nhận định rằng chính phủ và Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam phải thật cẩn thận, chớ nên lạm dụng việc tăng lãi suất
và cắt giảm chi tiêu.
Kinh tế gia Akamatsu nói với hãng tin tài chính Bloomberg rằng tác hại của lãi
suất cao không thể nhận thấy nhanh chóng do lối kế toán hiện thời của Việt Nam.
Mà hai mươi mốt phần trăm là lãi suất cho vay là quá cao dù trong bất kỳ tình
huống nào.
Về chống lạm phát, ông Ernie Bower đưa ra một khuyến cáo còn có phần nghiêm
khắc hơn.
Ông Bower nói: "Về mặt chống lạm phát, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên thật cẩn
thận, chớ dùng quỹ dự trữ ngoại hối của mình để bảo vệ giá trị đồng nội tệ, mà
để thị trường, các sức mạnh của thị trường tự điều chỉnh. Đó là những quyết
định cực kì khó khăn mà Việt Nam phải xúc tiến. Nào là về giá cả, trợ giá. Thủ
tướng có vẻ như ông đã hiểu rằng vài tháng tới đây sẽ là khó khăn, cho tới cả
năm nữa, để giải quyết những vấn đề đó. Thật thú vị khi thấy Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam đã có những hành động để thả nổi giá tiềng đồng. Nó sẽ khiến nền kinh
tế Việt Nam trở nên gay go trong vài tháng, nhưng về đường dài thì tôi tin là
nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát ra, mạnh mẽ hơn nhiều."
Cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan cũng khuyến cáo Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng đừng quên là nền kinh tế quốc gia còn lệ thuộc quá
nhiều vào lao động rẻ, trong khi những nền kinh tế lân cận như tại Trung Quốc
thì họ đã qua giai đoạn này và đang trông nhờ vào sản lượng cao.
Lao động rẻ mà gặp nạn lạm phát cao, giá sinh hoạt tăng liên tục, thì lao động
không thể làm rẻ mãi được. Do đó mà phát sinh đình công, lãn công, để đòi tăng
lương.
Khi tăng lương thì lao động không còn rẻ nữa, giá thành sản phẩm cao, liệu các
nhà đầu tư nước ngoài có vì thế mà bỏ Việt Nam quay sang thị trường khác hay
không? Ông Ernie Bower, cựu chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, và
cũng là một thành viên trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhận định.
Ông Bower nói: "Tôi không nghĩ điều đó là đúng. Các nhà đầu tư Mỹ, hay tất
cả những nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhắm vào Việt Nam. Phải tăng lương là
thách đố lớn, nhưng chưa phải là nguyên do phải khước từ Việt Nam. Thách đố to
nhất là cơ sở hạ tầng, và tôi tin là người Việt Nam hiểu điều đó. Họ đang nhanh
chóng nâng cấp, cải thiện đường xá, cầu cống, bến cảng, sân bay. Việt Nam phải
làm sao để tham gia vào dây chuyền tiếp vận toàn cầu, với tiêu chuẩn cũng toàn
cầu."
Ông Ernie Bower khẳng định rằng phải tăng lương cho công nhân thì có khó khăn,
nhưng không vì thế mà đầu tư nước ngoài rút tháo ra khỏi Việt Nam, nếu hạ tầng
cơ sở và những tiêu chuẩn khác và môi trường doanh nghiệp Việt Nam được cải
thiện cho ngang tầm quốc tế.