Miến Ðiện: Cử tri khu vực bị bão chuẩn thuận bản hiến pháp mới

Vào lúc các nạn nhân của bão lốc tại Miến Điện đang còn khốn đốn với sự cứu trợ hết sức giới hạn, thì nhà cầm quyền quân nhân loan báo rằng cử tri trong những vùng bị thiên tai tàn phá đã chuẩn thuận bản hiến pháp mới với gần như đa số tuyệt đối. Với 134,000 người chết hay mất tích, hai triệu người cần được trợ giúp, các cơ quan cứu trợ cho hay đang thử xem là lời cam kết của Chính phủ cho phép họ tự do đi lại có là sự thật hay không. Phái viên Ravi Khanna của đài VOA tường thuật rằng chế độ cầm quyền Miến Điện còn bị tố cáo gian lận và ép buộc cử tri trong vùng châu thổ sông Irrawaddy.

Việc bỏ phiếu trong những vùng bị thiên tai tàn phá được dời lại hơn hai tuần lễ, nhưng chính phủ quân nhân Miến Điện cho biết kết quả bầu phiếu của các nạn nhân bão lốc cũng tương tự như kết quả kỳ trưng cầu dân ý toàn quốc hôm 10 tháng Năm.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Miến Điện loan báo rằng tính chung thì bản hiến pháp mới đã được chấp thuận với hơn 92% tổng số phiếu.

Bà Debbie Stothard là người hoạt động cho tổ chức nhân quyền và dân chủ có tên Mạng lưới Thay thế ASEAN về Miến Điện, nhận xét:

"Rõ ràng là toàn bộ cuộc trưng cầu dân ý này mang tính chất gian lận, ép buộc và đe dọa."

Các tướng lãnh đang cai trị Miến Điện nói bản hiến pháp sẽ đưa đến cuộc tổng tuyển cử vào năm 2010. Tuy nhiên với bản hiến pháp mới thì nhà lãnh đạo phong trào dân chủ đang bị giam cầm là bà Aung San Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, sẽ không được ra tranh cử.

Chế độ cho tiến hành việc bỏ phiếu ngay cả khi Liên Hiệp Quốc cho biết ba phần tư số nạn nhân thiên tai chưa được nhận sự trợ giúp nào. Các cơ quan cứu trợ cho biết họ đang cử những toán nhân viên cứu trợ vào Miến Điện để xác minh lời cam kết của chính quyền cho phép họ tự do đến những vùng bị thiên tai tàn phá.

Ông Richard Horsey của Văn phòng Điều phối Hành động Nhân đạo Liên Hiệp Quốc nói với hệ thống truyền hình AP rằng Liên Hiệp Quốc sẵn lòng giúp đỡ.

Ông Horsey nói: "Nếu chúng tôi gửi được các chuyên gia đó đi, thì chúng tôi sẽ khởi sự lắp đặt những máy lọc nước, nhà kho và những thứ cần thiết khác."

Bà Debbie Stothard nói Chính phủ quân nhân còn dùng ngay cả việc cứu trợ để ép buộc cử tri.

Bà Stothard nói: "Những người đang tìm cách hồi phục lại sau cơn tàn phá của bão Nargis được bảo rằng họ phải bỏ phiếu 'thuận', nếu họ muốn được nhận đồ cứu trợ."

Một nhà phân tích chính trị làm việc tại Bangkok, ông Larry Jagan, nói rằng ông không lạc quan về một nền dân chủ thật sự ở Miến Điện.

Ông Jangan nói: "Nếu có sự chuyển tiếp thật sự sang nền dân chủ đa đảng, như tất cả các nhà lãnh đạo quân nhân Miến Điện đang khẳng định, thì họ phải cho phép áp dụng vài hình thức cởi mở hơn."

Bản hiến pháp quy định 25% số ghế quốc hội phải được dành cho quân đội và cho phép Tổng thống giao mọi quyền lực cho quân đội trong trường hợp khẩn cấp, là những điều khoản mà giới phê bình cho là đã đi ngược lại lời cam kết tiến tới dân chủ do chính quyền quân nhân đưa ra.