Chính phủ quân nhân Miến Điện đã gia hạn việc giam giữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi thêm ít nhất 6 tháng nữa. Lực lượng an ninh cũng bắt giữ khoảng 20 người ủng hộ phe đối lập.Trong khi đó, các cơ quan cứu trợ cho biết họ đang dần đà vào được những vùng bị bão tàn phá ở Miến Điện. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, phái viên Luis Ramirez ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chính phủ quân nhân Miến Điện đang đứng trước một kỳ hạn là liệu có đưa lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ra tòa hay không, hay là triển hạn việc cầm giữ bà. Bà đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 18 năm qua. Người ta còn thấy lực lượng an ninh Miến Điện bắt giữ khoảng 20 thành viên của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đang phản kháng việc giam giữ bà Suu Kyi.
Quyết định triển hạn việc quản thúc tại gia khôi nguyên giải Nobel hòa bình này được đưa ra vào lúc sự chú ý hướng vào các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện và việc họ miễn cưỡng cho phép các toán cứu trợ được tiếp cận toàn bộ với các nạn nhân bão.
Các cơ quan cứu trợ cho biết tập đoàn cai trị đã nới lỏng bớt việc nắm giữ quyền lực kể từ khi nhà lãnh đạo nước này là tướng Than Shwe nói với tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đến thăm Miến Điện hôm thứ sáu tuần trước rằng Miến Điện sẽ cho phép nhân viên cứu trợ vào nước bất kể quốc tịch.
Hôm nay, ông Paul Risley thuộc Chương trình Thực phẩm Thế giới nói với các phóng viên tại Bangkok rằng một số nhân viên của chương trình đã được phép đi đến vùng châu thổ sông Irawaddy bị nạn nặng, và 7 trong số các nhân viên của cơ quan ông đã nhận được thị thực trong tuần này, điều ông cho là một kỷ lục.
Ông Risley nói: “Đây là những bước rất nhỏ nhưng đáng khích lệ và cho thấy một nhận thức lớn hơn và lợi ích của việc mở rộng sự tiếp cận nói riêng dành cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế được đến những khu vực trong vùng châu thổ. ”
Chương trình Thực phẩm Thế giới cho hay trong 3 tuần vừa qua, cơ quan đã chuyển giao các khẩu phần thực phẩm cho nửa triệu người, nhưng cứu trợ còn chưa đến được với nhiều người khác. Liên hiệp quốc ước lượng có 1 triệu rưởi người còn chưa nhận được bất cứ hình thức cứu trợ nào. Nhân viên cứu trợ đến được những làng mạc trong vùng châu thổ cho biết họ đã phát hiện nhiều người không có ăn đã nhiều ngày.
Các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, tức ASEAN, đã cam kết đóng góp hàng chục triệu đôla cho các nỗ lực cứu trợ tại một hội nghị cấp viện hôm chủ nhật ở Rangoon.
Các cơ quan cứu trợ nói rằng có rất nhiều tiền tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ, nếu các tướng lãnh Miến Điện cho phép các toán quốc tế được phép tiếp cận với các nhu cầu, đồng thời xác minh và theo dõi việc đồ cứu trợ được phân phối ra sao.Các nhà lãnh đạo Miến Điện từng tuyên bố họ sẽ chỉ nhận viện trợ chừng nào mà việc này không bị chính trị hóa và được thực hiện, theo nguyên văn lời họ – là không kèm theo một điều kiện nào.
Từ nhiều năm nay, các thành viên của cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Hiện thời thì ựu tiên của các chính phủ khác dường như đã chuyển qua các nỗ lực cứu trợ.Hôm nay, tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan vừa từ Rangoon trở về nói rằng ông và những người khác đã gạt vấn đề bà Aung San Suu Kyi ra khỏi các cuộc nói chuyện với các tướng lãnh Miến Điện tại hội nghị cấp viện hôm chủ nhật.
Ông Pitsuwan nói: “Chúng tôi biết điều chúng tôi tìm cách hoàn thành. Chúng tôi không muốn làm cho nghị trình dầy đặc thêm. Chúng tôi không muốn gây phức tạp cho tiến trình. Ít nhất chúng tôi đã hoàn tất được một việc, đó là có sự giao tiếp. Có chỗ cho việc giao tiếp về các vấn đề nhân đạo."
Các quốc gia cấp viên đã cho biết việc cam kết đóng góp thêm sẽ tùy thuộc vào mức độ tiếp cận và minh bạch mà các nhà lãnh đạo Miến Điện cho phép trong các nỗ lực cứu trợ.