Đường dẫn truy cập

Nhân viên cứu trợ nước ngoài vẫn chờ thị thực để vào Miến Ðiện


Những lời bảo đảm của Miến Điện cho phép nhân viên cứu trợ quốc tế vào nước đang được trắc nghiệm vào lúc các cơ quan cứu trợ chờ thị thực được cấp cho nhân viên tìm cách giúp các nạn nhân trận bão Nargis. Những người còn hoài nghi đang đặt vấn đề liệu các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện có cho phép một con số đáng kể các nhân viên cứu trợ nước ngoài được vào Miến Điện 3 tuần sau khi xảy ra trận bão hay không. Có ít nhất 134,000 người đã thiệt mạng hay mất tích sau trận bão này. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA, phái viên Luis Ramirez ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hơn 3 tuần lễ sau khi bão đập vào vùng châu thổ sông Irawaddy của Miến Điện, Liên hiệp quốc cho biết 3 trong số 4 nạn nhân vẫn chưa nhận được hình thức cứu trợ nào. Hơn 2 triệu người còn đang phải chịu đựng cảnh thiếu nước sạch, nơi trú thân hay chăm sóc y tế. Được trang bị bằng một lời hứa của các tướng lãnh Miến Điện rằng họ sẽ cho phép các toán cứu trợ quốc tế được vào nước, hôm nay một số nhân viên cứu trợ đã lên đường đến những vùng bị nạn nặng nề.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, người đã đến Miến Điện trong mấy ngày vừa qua, đã nhận được lời bảo đảm của giới lãnh đạo Miến Điện rằng họ sẽ cho phép nhân viên cứu trợ được vào nước, bất kể quốc tịch. Ông Ban nói ông coi lời khẳng định đó là một bước đột phá trong việc xây dựng lòng tin cậy giữa cộng đồng quốc tế và các tướng lãnh luôn tránh né tiếp xúc với thế giới bên ngoài này. Ông Ban tỏ ý hy vọng tập đoàn cầm quyền Miến Điện sẽ tôn trọng lời hứa.

Những người còn hoài nghi hôm nay bầy tỏ các mối ngờ vực. Một tác giả đã viết rất nhiều về lịch sử giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện ở thành phố Chiang Mai của Thái Lan, ông Bertil Lintner cho rằng ở giai đoạn này, khó mà nói được liệu những lời khẳng định mà các tướng lãnh đưa ra với ông Ban có mang ý nghĩa của một sự nhượng bộ hay không.

Ông Lintner nói: “Chính phủ Miến Điện chưa hứa thực hiện điều gì, bất cứ điều gì cụ thể. Tuần này sẽ là cuộc trắc nghiệm. Họ có sẽ cho phép thêm nhân viên cứu trợ vào nước hay không? Những người được cho phép sẽ là ai và họ sẽ được phép đi đâu? Cho đến lúc này, mới chỉ là một lời hứa trống rỗng mà thôi.”

Lời loan báo của chính phủ Miến Điện gửi cho ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc được đưa ra vào lúc các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á tham dự một hội nghị các cơ quan cấp viện tại Rangoon đã cam kết đóng góp 100 triệu đôla ngày hôm qua.

Tại hội nghị này, thủ tướng Miến Điện, Tướng Thein Sein nói rằng chính phủ ông hoan nghênh viện trợ thêm chừng nào mà viện trợ được cung cấp mà không kèm theo điều kiện này và không có vấn đề chính trị hóa. Các giới chức cho biết họ coi giai đoạn cứu hộ đã chấm dứt và nay đang tập trung vào công tác tái thiết. Họ cho biết họ cần đến 11 tỷ đôla cho việc tái xây dựng.

Các nước cấp viện nói rằng họ hy vọng nhìn thấy sự minh bạch trong các nỗ lực cứu trợ của chính phủ Miến Điện trước khi họ cam kết giúp thêm tiền. Ông Lintner và những người khác còn hoài nghi nói rằng cho đến khi nào các tướng lãnh thực sự cho phép nhân viên cứu trợ và các toán thẩm định vào nước, thì họ còn ngờ vực các động cơ của các tướng lãnh này.

Ông Lintner nói: “Họ sẽ được rất nhiều ngoại viện cho điều họ gọi là công tác tái thiết, nghĩa là xây dựng lại hạ tầng cơ sở và xây dựng lại các thị trấn trong vùng châu thổ. Đó cũng là điều mà họ nói là họ muốn. Họ không muốn người nước ngoài đến và thực sự giúp nạn nhân bão. Trong cái nghĩa đó thì họ không thay đổi chút nào. Có thể họ nhận thấy rằng, ‘Ừ, chúng ta có thể lấy được tiền của cộng đồng quốc tế nếu như chúng ta làm một điều gì đó có vẻ như một sự nhượng bộ.’”

Tại Bangkok, nơi nhân viên cứu trợ đã chờ đợi mấy tuần lễ, hôm nay dường như sứ quán Miến Điện vẫn chưa cấp thị thực. Sứ quán buộc phải đóng cửa tạm thời sau khi xảy ra một vụ hỏa hoạn ở tòa nhà chính. Các giới chức Thái cho biết nguyên do đám cháy hình như là một vụ chạm dây điện.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG