Phản ứng về vụ hành quyết Saddam Hussein

Thế giới đã có những phản ứng lẫn lộn: từ vui mừng, lên án cho đến giận dữ, trước việc nhà cựu độc tài Iraq Saddam Hussein bị xử tử.

Thủ Tướng Nouri al Maliki tuyên bố hôm thứ bảy rằng cái chết của Saddam đã đóng lại một chương đen tối trong lịch sử của nước ông. Ông nói rằng chính sách đối xử phân biệt và gạt một số thành phần ra một ngoài lề xã hội đã gieo rắc tại họa cho Iraq trong 35 năm giờ đây đã cáo chung.

Tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush gọi vụ xử tử Saddam Hussein là một dấu mốc quan trọng đối với Iraq trên con đường tiến tới dân chủ. Ông nói rằng cái chết của Saddam đánh dấu sự kết thúc một năm đầy khó khăn đối với nhân dân Iraq, những nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo rằng cái chết này không chận đứng được bạo động trên đất nước đã bị tàn phá vì chiến tranh này.

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và những người khác phản đối án tử hình đã lên án vụ xử tử Saddam. Tòa thánh Vatican nói rằng giết chết kẻ phạm tội không dẫn đến công lý và hòa giải. Một phát ngôn viên của tòa thánh nói rằng vụ xử tử có thể châm ngòi cho sự trả thù và tạo mầm mống cho các vụ bạo động mới.

Trong khi đó, các vụ biểu tình phản đối vụ xử tử Saddam đã diễn ra tại Iraq và ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Pakistan và Ấn Độ.

Tuy nhiên cũng tại Iraq tin cho hay là dân chúng trong các khu của người Hồi giáo Shia trong thành phố Sadr cũng như tại các vùng khác có đa số dân là người Hồi giáo Shia đã đổ ra đường ăn mừng.

Kuwait hoan nghênh vụ xử tử, xem đó như một hành động công bình và thích đáng. Còn Iran gọi đó là một thắng lợi của nhân dân Iraq.

Trong khi đó, chính phủ Palestine do nhóm Hamas lãnh đạo lên án việc treo cổ Saddam, còn Libya thì tuyên bố để tang trong 3 ngày cho Saddam.

Hội Ân Xá Quốc Tế, có trụ sở tại Anh, cho rằng vụ xử án Saddam có khiếm khuyết và việc xử tử ông ta chỉ càng cho thấy tính cách độc ác và thoái hóa của án tử hình.