Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush gọi vụ xử tử Saddam Hussein là “một dấu mốc quan trọng” của Iraq trên con đường tiến tới dân chủ. Nhà lãnh đạo Hoa kỳ nói rằng cái chết của Saddam Hussein đánh dấu đoạn cuối của một năm đầy khó khăn cho người dân Iraq, nhưng ông cảnh báo rằng “điều này không chặn đứng bạo động ở Iraq.”
Ông cũng nhận xét rằng Saddam Hussein đã được xét xử công bằng, một điều mà nhân dân Iraq đã không có được dưới sự cai trị tàn bạo của Saddam Hussein.
Thủ tướng Iraq, ông Nouri al Maliki hối thúc những người Hồi giáo Sunni trong đảng Baath của Saddam Hussein nhưng “bàn tay không vấy máu người vô tội” hãy góp phần tái thiết đất nước.
Chính phủ Anh nói rằng Saddam Hussein đã phải “chịu trách nhiệm” đối với một số những tội ác mà ông đã gây ra cho người dân Iraq. Giới hữu trách Pháp kêu gọi dân chúng Iraq cố gắng để có được hòa giải dân tộc và đoàn kết quốc gia. Nhật Bản và Australia cho biết họ tôn trọng quyết định hành quyết Saddam Hussein của chính phủ Iraq, tuy hai nước này chống đối việc áp dụng án tử hình.
Tòa thánh Vatican lên án vụ xử tử Saddam Hussein và nói rằng đây là một bi kịch. Trong khi đó, Aán độ và Nga cảnh báo rằng diễn tiến này có thể khiến Iraq lún sâu thêm vào bất ổn và bạo động.
Một trong các luật sư của Saddam Hussein nói với đài truyền hình CNN rằng Saddam Hussein đã không được xét xử công bằng.
Cơ quan thông tấn chính thức của Iran cho hay các giới chức nước này xem vụ treo cổ Saddam Hussein là một thắng lợi cho toàn dân Iraq. Kuwait cho rằng đây là một diễn tiến công bằng và chính đáng. Trong khi đó, chính phủ Palestine do phe Hamas lãnh đạo lên án vụ treo cổ và Lybia tuyên bố 3 ngày để tang toàn quốc cho Saddam Hussein.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có bản doanh ở Mỹ cho rằng: vụ xét xử Saddam Hussein có khiếm khuyết nghiêm trọng. Tổ chức này lên án hình phạt treo cổ là tàn bạo và vô nhân đạo, tuy họ thừa nhận rằng Saddam Hussein “có vô số hành vi vi phạm nhân quyền rất khủng khiếp.”