Tết buồn giữa thời ‘tinh giản’ và ‘sáp nhập’

Ảnh tư liệu - Cảnh tắc đường thường thấy tại Hà Nội mỗi dịp giáp Tết

Hơn tháng nữa đến Tết nguyên đán, không ít công nhân-viên chức ở Hà Nội cho biết cái Tết tới đây sẽ là ‘Tết buồn’, bởi trong thời điểm ‘tinh giản’ và ‘sáp nhập’, không ít cơ quan sẽ bị giải thể và rất nhiều người sẽ phải ra đi ngay đúng dịp Tết.

Chị Nguyễn Hoàng Oanh, một nhân viên thâm niên của một doanh nghiệp quốc doanh sẽ giải thể vào cuối năm nay, cho biết khi nghe quyết định giải thể, chị thực sự sốc. Chị hiện phải phụng dưỡng cha mẹ và chăm lo cho con cái. Toàn bộ kinh tế gia đình dựa vào thu nhập của hai vợ chồng vốn đã rất eo hẹp. Giờ sắp mất đi một đầu thu nhập, chị “không biết bấu víu vào đâu để đủ chi trả cho cuộc sống của cả gia đình 6 người”.

Sau hơn 3 tuần kể từ khi hay tin doanh nghiệp bị giải thể, đến giờ chị Oanh mới phần nào bình tâm lại.

“Cái việc này thì như là mình bị đánh úp vậy. Mới đầu ai cũng sốc cả. Nhưng khi nó đã trải qua hơn 20 ngày rồi thì cái nỗi buồn của mình nó giờ đã thành cái gì rồi ý. Mình cũng không tả nổi nữa. Tóm lại thì mình cũng không còn như hồi đầu bị sốc quá và bị bất ngờ nữa.”

Chị Oanh đang rất lo lắng về thời gian khó khăn tới đây khi giờ chị đã ở tuổi ngoài 40, rất khó xin được việc mới mà lại chưa thể về hưu để hưởng chế độ hưu trí.

“Dù sao mình cũng đã làm 18 năm rồi. Nên mình xác định gắn bó ở đây để thứ nhất là có công ăn việc làm, thứ hai là còn các loại bảo hiểm của mình. Bây giờ mình nghỉ một cái, trong khi cái luật của Việt Nam nó lại buồn cười thế này. Cứ đến 60 mới được nhận lương hưu, mặc dù đã đóng đủ số năm bảo hiểm rồi hay thậm chí là đóng thừa số năm bảo hiểm rồi thì vẫn phải đến 60 mới được nhận. Như trường hợp của mình giờ nghỉ thì mình phải bỏ tiền túi ra đóng hàng tháng cho đến tận năm 60 tuổi để được nhận lương hưu,” chị chia sẻ.

Chị Oanh nói nếu không xin được công việc mới thì cũng có nghĩa là chị sẽ mất tất cả, bởi bản thân chị không có thu nhập thì làm sao có thể đóng tiếp bảo hiểm đến năm 60 tuổi.

Chị cho biết gia đình chị và gia đình các đồng nghiệp đồng cảnh ngộ không ai còn quan tâm đến Tết nhất gì nữa.

“Năm nay thì thôi, không ai trang trí một cái gì. Buồn bã. Người chưa kiếm được chỗ nào thì tất nhiên là buồn, còn những người kiếm được chỗ khác rồi thì vẫn buồn. Tóm lại là buồn hẳn rồi,” chị Oanh than thở.

Chị Trần Thanh Tú, một viên chức gần 50 tuổi của một cơ quan nhà nước, cho biết nơi chị làm việc không bị giải thể hoàn toàn nhưng sẽ ‘tinh giản’. Dù chưa biết mình có bị ‘tinh giản’ hay không, nhưng chị nghĩ rất có thể chị sẽ phải về hưu sớm.

“Bây giờ tất cả các bộ, ban, ngành gộp lại mà cụ thể là hai bộ gộp lại với nhau thì sau khi gộp xong phải giảm số người từ 15 đến 20%. Mà như vậy thì thất nghiệp sẽ tràn lan luôn. Chết luôn mà. Nhiều lắm, một lượng cực lớn luôn ý. Mình được biết tính ra ở các tỉnh thôi thì đã tinh giản từ 50 đến 70 nghìn người. Chưa kể là sẽ còn tinh giản tiếp. Trong khi với cách đào tạo và làm việc hiện tại, bị đẩy ra ngoài đường như thế này thì họ biết làm gì?” chị Tú bày tỏ lo lắng.

Không còn nhiều năm làm việc nữa, lại là công chức nhà nước chứ không phải hợp đồng lao động dài hạn, nên chị Tú cho biết bản thân chị cũng đỡ lo lắng hơn một chút.

“Ví dụ giờ khuyến khích về hưu sớm thì người ta sẽ cho một khoản tiền và khi mình đã ở một cái ngưỡng bao nhiêu năm đấy thì người ta vẫn cho mình hưởng lương hưu,” chị Tú tâm sự.

Chị tâm sự rằng giờ chị nghỉ việc cũng không phải là vấn đề quá lớn với gia đình vì chị đã lo trước việc này. Từ nhiều năm nay, gia đình chị đã không hoàn toàn trông đợi vào thu nhập ‘ba cọc ba đồng’ của lương công chức nữa.

Nhưng dù sao, chị nói, Tết năm nay vẫn là một cái Tết buồn và gia đình chị cũng chưa sắm sửa gì, trái ngược với không khí nhộn nhịp, tất bật ngoài đường vào thời điểm này.

“Đường Hà Nội giờ cứ tắc thôi. Bởi vì sao, dịp cuối năm nay thì các tỉnh người ta về người ta cống trước. Thứ hai là bây giờ đang ‘sáp nhập’ mà, ai cũng muốn chạy chức, chạy quyền nên đổ ùn về hết Hà Nội. Thế nên lúc nào cũng tắc đường,” chị cho biết.

Chị Tú nói thêm rằng những người bận rộn ngoài đường đấy là quan chức có tiền mua sắm để biếu xén cấp trên, chứ những gia đình thuộc diện ‘ tinh giản’ như chị thì Tết năm nay sẽ ‘tiết kiệm tối đa để xem thời gian tới được giải quyết chế độ thế nào đã’.

Anh Lê Minh Thành, một viên chức đã bỏ việc nhà nước để ra làm ăn riêng được vài năm nay, cho biết anh cũng ‘chả vui vẻ gì’ khi hay tin giải thể, bởi biết bao năm tâm huyết của anh em mới xây dựng được thương hiệu cho doanh nghiệp. Gần 1.000 đồng nghiệp cũ của anh Thành giờ không biết đi đâu, về đâu. Tuy nhiên, anh nói rằng số lượng bánh chưng anh được đặt hàng làm quà biếu Tết năm nay lại tăng đột biến, gấp tới 4 lần so với mọi năm.

“Người ta ồ ạt người ta đặt, một ngày không biết bao nhiêu đơn hàng. Họ cứ nhắn tin liên tục. Thậm chí nếu không rà soát kỹ,mình còn để lỡ đơn hàng của người ta. Tổng số đến lúc này là 20 nghìn cái đã được đặt mà mình sợ còn quá sức mình, không làm nổi ý chứ,” anh cho biết.

Lúc này, anh Thành mới thấy quyết định ra ngoài làm ăn riêng, không bám trụ với chân nhân viên hợp đồng dài hạn và đồng lương viên chức ‘ba cọc ba đồng’ của mình mấy năm trước là hoàn toàn chính xác. Anh nói nhờ vậy mà giờ đây anh không rơi vào cảnh bị ‘vứt ra đường trong cảnh tuổi trẻ và cả sức khoẻ đã không còn’.

Kế hoạch tinh giảm bộ máy chính phủ sẽ cắt giảm từ 15- 20% các đầu mối tổ chức bên trong các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ cấu lại và hợp nhất 14 bộ và cơ quan ngang bộ. Sau khi sắp xếp lại, dự kiến chính phủ sẽ chỉ còn 13 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, tức là giảm đi 5 bộ so với trước.

Báo nhà nước nói những ai bị tinh giản sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nếu trong độ tuổi và có nguyện vọng đi học nghề trước khi bị thôi việc. Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ này đối với viên chức của các cơ quan do trung ương quản lý. Còn các viên chức thuộc các đơn vị địa phương thì do ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí thực hiện các khoản trợ cấp.