Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hôm thứ Năm cho biết nước này sẽ không dừng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông bất chấp tuyên bố của Bắc Kinh rằng Malaysia đang xâm phạm lãnh thổ của mình.
Phát biểu từ Nga, nơi đang có chuyến công du chính thức, ông Anwar nói các hoạt động thăm dò của Malaysia nằm trong lãnh thổ của mình và không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với Trung Quốc, quốc gia mà Malaysia có quan hệ hữu nghị.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải hoạt động trong vùng biển của mình và đảm bảo lợi thế kinh tế, bao gồm cả việc khoan dầu, trong lãnh thổ của mình”, ông Anwar nói trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Vladivostok.
“Chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận khả năng thảo luận (với Trung Quốc). Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải dừng hoạt động trong khu vực của mình”.
Bộ ngoại giao Malaysia hôm thứ Tư nói họ sẽ điều tra vụ rò rỉ một công hàm ngoại giao mật từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong bản ghi chú được một hãng tin Philippines đăng tải, Bắc Kinh khẳng định rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh thổ của họ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, bao gồm một số phần của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam, làm phức tạp thêm các nỗ lực thăm dò năng lượng của một số quốc gia đó.
Theo luật pháp quốc tế, EEZ không biểu thị chủ quyền, nhưng cho phép một quốc gia quyền chủ quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên từ những vùng biển đó.
Công ty năng lượng nhà nước Malaysia Petronas, hay Petroliam Nasional Berhad, khai thác các mỏ dầu khí ở Biển Đông trong EEZ của Malaysia, và trong những năm gần đây đã có một số cuộc chạm trán với các tàu Trung Quốc.
Ông Anwar cho biết Trung Quốc đã gửi “một hoặc hai” công hàm phản đối để ngăn chặn các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia, mà không nêu rõ chi tiết, nhưng nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ tiếp tục giải thích với Bắc Kinh về lập trường của mình.
“Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không xâm phạm biên giới của các nước khác. Đó là chính sách và nguyên tắc nghiêm ngặt của chúng tôi”, ông nói.
“Họ biết lập trường của chúng tôi.... Họ đã tuyên bố rằng chúng tôi đang xâm phạm lãnh thổ của họ. Không phải vậy. Chúng tôi nói không, đó là lãnh thổ của chúng tôi”.
“Nhưng nếu họ tiếp tục tranh chấp, thì được thôi, chúng tôi sẽ phải lắng nghe, và họ sẽ phải lắng nghe”.
Một tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague năm 2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khoảng 90% Biển Đông, được đưa ra thông qua “đường chín đoạn” hình chữ U trên bản đồ của họ, là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một quyết định mà Bắc Kinh không công nhận.